Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Rất nhiều dự đoán và lời tiên tri liên quan tới các sự kiện khải huyền khiến mọi người sợ hãi, ngạc nhiên thậm chí là thích thú trong nhiều năm.

Nền kinh tế ngày tận thế bùng nổ

Trong bối cảnh khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu, các mối đe dọa khủng bố, các cơn bão, các trận động đất và cái gọi là ngày tận thế của người Maya vào ngày 21/12 thì sự diệt vong của thế giới đã tồn tại trong tâm trí nhiều người.

Rất nhiều dự đoán và lời tiên tri liên quan tới các sự kiện khải huyền khiến mọi người sợ hãi, ngạc nhiên thậm chí là thích thú trong nhiều năm. Những sự kiện ngày tận thế này đã mang lại cơ hội kiếm lợi không nhỏ cho những doanh nghiệp chuyên phục vụ cho những người luôn muốn được chuẩn bị cho các sự kiện thảm họa.

Những người này, được gọi là "người chuẩn bị" một thuật ngữ phổ biến tại Mỹ hiện nay, tiêu hàng nghìn USD nhằm mục đích tồn tại được trong các tình huống thảm họa cho những loại vật dụng phục vụ sự tồn tại.

Các công ty nắm lấy cơ hội kinh doanh từ ngày tận thế bán những sản phẩm gồm nước, lương thực, điện, chỗ trú ẩn, mặt nạn phòng hơi độc, các nhà sản xuất súng và những tiện nghi khác là những người kiếm bộn nhất từ "nền kinh tế ngày tận thế" hiện nay.Theo Vic Rantala, chủ sở hữu Safecastle chuyên cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho thị trường này đã hơn 10 năm, khách hàng của công ty rất đa dạng "thuộc đủ loại thu nhập và ngành nghề: Bác sĩ, luật sư đến chủ doanh nghiệp."

Phil Burns, chủ mạng lưới nói: "Những người chuẩn bị không điên hơn so với những người mua bảo hiểm nhà. Nghiêm túc mà nói tại sao tất cả mọi người đều mua  bảo hiểm nhà?

Đó là vì nếu một cái gì đó thảm họa xảy ra với nhà của bạn, bạn có thể có tiền để mua một ngôi nhà mới - và không bị vô gia cư. Việc chuẩn bị về cơ bản tương tự vậy - chúng tôi đào tạo bản thân và mua những vật dụng sẽ cần thiết để tiếp tục cuộc sống của mình trong một sự kiện thảm họa."

Hầu hết những người chuẩn bị, trên thực tế, đều nghĩ đến các thảm họa thiên tai trong tâm trí khi họ tích trữ lương thực hoặc mua một nơi trú ấn. Sự kiện 11/9 khiến nhiều người cân nhắc tăng cường việc chuẩn bị chống thảm họa của họ. Và phản ứng chậm trễ của chính phủ với cơn bão Katrina năm 2005 càng khiến họ củng cố quyết tâm.

Rantala nói: "Sự kiện 11/9 chắc chẵn đã thay đổi thế giới và cách thức nhiều người nhìn về tương lai của họ. Vào thời điểm đó, chúng tôi thấy nhiều người nhận thấy rằng tương lai của họ có thể rất khác với những gì họ được nuôi lớn lên tin tưởng.

Kể từ ngày 11/9, có nhiều sự kiện toàn cầu giúp thúc đẩy công việc kinh doanh của chúng tôi. Nó đã tăng trưởng vững chắc trong mọi khía cạnh. Thậm chí ngay cả trong suy thoái kinh tế, sự chuẩn bị cho khủng hoảng cũng vẫn tăng trưởng liên tục."Điều này có nghĩa đây là thời kỳ bùng nổ cho công việc kinh doanh phục vụ cho sự sống sót và tồn tại, chuẩn bị cho ngày tận thế.

Kiếm bộn từ nền kinh tế ngày tận thế

Có lẽ trong tình trạng ế ẩm và ảm đạm của thị trường bất động sản thì các nhà cung cấp nhà ở an toàn là những người duy nhất kiếm được lợi nhuận.

Thị trường nhà ở an toàn phát triển khá nhộn nhịp và sôi động, từ các khu ở an toàn sang trọng với một vài dự án được bán tại Kansas lên tới 1,75 tỷ USD xây dựng trên những tòa tháp phóng tên lửa bỏ trống đến những khu trú ẩn cộng đồng trong đó mọi người mua chỗ tại các cộng đồng dưới dất ngầm như Vivos và chống chọi với các sự kiện thảm họa trong một mạng lưới hầm trú ẩn nhỏ an toàn và tiện nghi.

Radius Engineering, công ty chuyên xây dựng hầm và nhà trú ẩn đã kiếm được hàng triệu USD từ việc thiết kế và xây dựng các nhờ ở trú ẩn cho ngày tận thế. Tính đến nay, công ty này đã bán được hơn 1.100 nhà ở trú ẩn ngầm với lợi nhuận khoảng 30 đến 40 triệu USD mỗi năm.Các nhà sản xuất bộ trang bị tồn tại đã tăng được doanh số trong thập kỷ vừa qua. Ví dụ, 3M, nhà sản xuất mặt nạ phòng hơi độc (loại mặt nạ được Hiệp hội Chữ thập đỏ khuyên dùng), có doanh thu từ mặt nạ phòng hơi chiếm 9% tổng doanh thu và giá cổ phiếu tăng gấp đôi kể từ năm 2009.

Ngành công nghiệp súng cũng thu được nhiều lợi nhuận từ việc tăng doanh số súng cầm tay khi mà mọi người đều muốn cảm thấy an toàn trong trường hợp thảm họa xảy ra. Dựa trên những thông tin liên quan tới việc xác minh lý lịch nhằm xin cấp phép sử dụng súng, số người dân Mỹ xin cấp phép đã tăng hơn 700% từ con số 147.484 đơn vào năm 2005 đến 992.975 đơn vào năm 2011.

Thậm chí một số cửa hàng bán súng còn sử dụng những loại vũ khí không gây chết người để quảng bá cho sản phẩm của mình. Moss Pawn Jewerly và Guns tại Jonesboro, Ga không hẳn là một cửa hàng chuyên phục vụ người chuẩn bị nhưng chủ cửa hàng lại chuẩn bị cho việc chống lại sự tấn công của thây ma.

Trong một đoạn video trên YouTube, họ trình diễn một loại vũ khí bán tự động AR15 đã được nâng cấp được trang bị ba điểm, bốn đèn chiếu sáng và 9 ổ đạn 30 viên.

Ngành công nghiệp giải trí cũng góp mặt trong những cái tên kiếm tiền từ ngày tận thế.

Các nhà xuất bản sách, phim ảnh và sản xuất chương trình đã quyến rũ khán giả và người hâm mộ với những câu chuyện về ngày tận thế. Khán giả trên toàn thế giới chỉ đơn giản là yêu thích những cách giải trí liên quan tới ngày tận thế.

Các bộ phim về ngày tận thế có tổng doanh thu hàng tỷ đô chỉ trong thập kỷ vừa qua với những tên tuổi như Independence Day (306 triệu USD), Armageddon (234 triệu USD), War of the Worlds (201 triệu USD), The Day After Tomorrow (186 triệu USD), The Perfect Storm (182 triệu USD) và 2012 (166 triệu USD).

Trong khi đó, các cuốn sách có thông tin và các câu chuyện về các thảm họa tiềm tàng là những thành công lớn thu hút người đọc. Cuốn sách có tựa đề "Sách giúp tồn tại" (Survival Books) trên Amazon đạt tới 46.000 lượt tìm kiếm.

Ngoài ra, các chương trình truyền hình như loạt phim truyền hình thu hút người dân Mỹ với những câu chuyện liên quan tới ngày tận thế như "The Walking Dead" (Xác chết biết đi) và "Doomsday Preppers" (Những người chuẩn bị cho ngày tận thế" là một hai cái tên phổ biến được yêu thích hiện nay.

Chúng ta đã có rất nhiều dự đoán về ngày tận thế như của nhà tiên tri Armageddon, học thuyết sao chổi Halley, các lời tiên tri Cổng thiên đường, lời sấm truyền của Nostradamus và sự cố Y2K. Hiện nay, hàng triệu người đang chờ đợi lời dự đoán ngày tận thế 21 tháng 12 theo lịch của người Mayan.

Mặc dù chúng ta không hẳn chắc chắn rằng sẽ không có điều gì xảy ra  thì ngành công nghiệp phục vụ ngày tận thế vẫn tiếp tục phát triển chừng nào ngày tận thế vẫn còn là một chủ đề nóng.


Nguồn: Kiến Thức Kinh tế
Giá cổ phiếu của Apple đến nay đã giảm hơn 36% kể từ khi đạt mức kỷ lục 705 USD/cổ phiếu đạt được vào tháng 9. Tuần trước, sau khi “quả táo” công bố mức lợi nhuận thấp hơn dự báo, cổ phiếu của hãng lao dốc càng mạnh.
Đợt sụt giảm giá cổ phiếu này khiến Apple không còn là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

Cốt lõi của vấn đề có lẽ nằm ở chỗ, Apple đã đạt tới đỉnh cao mà tốc độ tăng trưởng của hãng đang dần chậm lại. Những dự báo u ám về Apple mà giới phân tích đưa thời gian gần đây chắc chắn đã gây ít nhiều xáo trộn tâm lý đối với nhân viên của hãng.

Dẫn nguồn thân cận, trang Business Insider cho biết, để trấn an những lo ngại này và củng cố tinh thần cho nhân viên trong năm 2013, Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple đã tổ chức một cuộc họp toàn công ty.

Tại cuộc họp này, Tim Cook nói với nhân viên rằng: “Chúng ta vừa có kết quả kinh doanh theo quý tốt nhất mà một hãng công nghệ từng có được… Những công ty có kết quả kinh doanh quý tốt hơn chúng ta đều là những công ty khai thác dầu. Tôi không biết các bạn thế nào, nhưng tôi không muốn làm việc cho những công ty đó”.

Tim Cook thừa nhận rằng, giá cổ phiếu Apple đang trong tình trạng tồi tệ, nhưng việc sản xuất những sản phẩm mới phải là ưu tiên hàng đầu.

Cũng trong cuộc họp này, người đứng đầu Apple công bố những chính sách đãi ngộ mới cho nhân viên, bao gồm giảm giá mạnh hơn cho những ai muốn mua điện thoại iPhone.

Theo Tim Cook, Apple muốn trở nên minh bạch hơn về vấn đề lao động tại các nhà cung cấp ở Trung Quốc. “Chúng tôi muốn các đối tác của mình cũng làm ăn có đạo đức như chúng tôi”, ông nói.

Tim Cook thừa nhận rằng, mức độ thỏa mãn của nhân viên làm việc ở mảng bán lẻ của Apple hiện ở mức quá thấp, và hãng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm một người đứng đầu mới cho mảng này.

CEO Apple cho rằng, có thể hệ điều hành Android đang có mức thị phần cao hơn, nhưng iOS lại có lượng truy cập web và sử dụng lớn hơn. Thước đo thành công của Android là thị phần, còn của Apple là mức độ được sử dụng, theo Tim Cook.

Tim Cook nói với nhân viên, nếu chia các mảng kinh doanh của Apple thành những công ty riêng biệt, thì tất cả các công ty đó sẽ đều có tên trong danh sách 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất Fortune 100.
Trong khi sự khó khăn tác động mạnh đến phẦn lớn các doanh nghiệp Việt Nam khiến doanh thu và lợi nhuận bị suy giảm, thì tại các doanh nghiệp quân đội tình hình lại rất khả quan.

Các doanh nghiệp quân đội kinh doanh hiệu quả một phần là do được các chính sách hỗ trợ tích cực của Nhà nước. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận lại rằng, nhiều doanh nghiệp nhà nước khác cũng có được những ưu đãi tương tự, nhưng vẫn kinh doanh không tốt.

Doanh nghiệp quân đội với nhà nước

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là gương mặt tiêu biểu nhất trong các doanh nghiệp quân đội. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết doanh thu năm 2012 của Viettel đạt hơn 140.058 tỉ đồng, tăng 18,5% so với năm 2011, lợi nhuận gần 25.000, tăng gần 40% so với năm 2011.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam trong năm qua gặp nhiều khó khăn nhưng những con số này đã cho thấy rằng, Viettel đã có một năm kinh doanh ấn tượng. Điều này càng nổi trội khi đặt Viettel bên cạnh một ông lớn khác trong ngành viễn thông là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Theo đó, doanh thu của VNPT trong năm qua đạt 130.390 tỉ đồng nhưng lợi nhuận của hãng thu về chỉ đạt 8.500 tỉ đồng.

Không chỉ hơn về mặt doanh thu và lợi nhuận, tầm vóc của Viettel cũng vượt trội khi đưa thương hiệu ra nước ngoài và biến Viettel trở thành một thương hiệu quốc tế. Trong khi đó, VNPT gần như vẫn chỉ dẫm chân tại thị trường Việt Nam. Tính đến năm 2012, doanh thu riêng về dịch vụ viễn thông tại nước ngoài của Viettel đạt gần 600 triệu USD, tăng trưởng 45%. Hiện tại Viettel đã có mặt tại 7 thị trường nước ngoài, trong VNPT mới chỉ bắt đầu lên kế hoạch vào Myanmar.

Nổi bật sau Viettel có lẽ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB). Vào những ngày đầu năm 2013, MB công bố đạt trên 3.024 tỉ đồng lợi nhuận năm 2012, giữ vị trí quán quân trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần. Đây được xem là một trong những tin tốt lành hiếm hoi trong lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tỉ lệ nợ xấu cao và lợi nhuận bị suy giảm.

Đây không phải là năm duy nhất Ngân hàng Quân đội kinh doanh tốt. Nhìn lại chỉ số kinh doanh trong 3 năm gần đây cho thấy sự phát triển bền vững ổn định chứ không chỉ là ăn may. Điều này thể hiện rất rõ qua 4 chỉ số tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009-2011 của MB doanh thu (52,6%), lợi nhuận (45,4%), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu - ROE (21,2%) và lợi nhuận trên vốn - ROC (31,9%).

Trong khi đó mặc dù có số vốn điều lệ hơn gấp đôi Ngân hàng Quân Đội và được xem là một ngân hàng hoạt động hiệu quả trong hệ thống các ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối nhưng lợi nhuận Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ đạt 5.706 tỉ đồng. Vốn điều lệ của MB là 10.500 tỉ đồng trong khi của Vietcombank là hơn 23.000 tỉ đồng. So sánh về 4 chỉ số tăng trưởng, Vietcombank cũng không bằng Ngân hàng Quân đội (29,6%; 20,6%; 21,8%; 27%).

Không chỉ những doanh nghiệp này, các doanh nghiệp khác của quân đội như Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty 28, Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Vạn Xuân (Vaxuco), Công ty Bay dịch vụ Miền Nam, Tổng công ty Thành An, cũng hoạt động kinh doanh khá tốt.

Không chỉ kinh doanh tốt, những con số về mức lương của những doanh nghiệp quân đội này là niềm mơ ước của nhiều người lao động. Có thể kể như thu nhập bình quân đầu người của Viettel khoảng 18 triệu đồng/tháng, Ngân hàng Quân đội 15 triệu đồng/tháng, Tân Cảng Sài Gòn, thu nhập bình quân đầu người là 18 triệu đồng/tháng và được hưởng tới 17 tháng lương/năm.

Vì đâu?

Đâu là “vũ khí” khiến những doanh nghiệp quân đội kinh doanh tốt là một câu hỏi cần có sự giải đáp.

Một trong những đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp quân đội là tính kỷ luật, cách dùng người.

Ví dụ như tại Ngân hàng Quân đội, phương châm của ngân hàng là “tạo sự khác biệt và bền vững bằng văn hóa kỷ luật, đội ngũ nhân sự tinh thông về nghiệp vụ, cam kết cao và được tổ chức khoa học”. Phát biểu trên báo chí, bà Cao Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội, cho rằng yếu tố trên chính là một lá chắn ưu thế trong môi trường nhiều rủi ro.

“Thời gian qua, có một thực tế nổi lên là tâm lý e ngại cho vay từ chính ngân hàng, từ chính lãnh đạo đến cán bộ tín dụng. Họ e ngại rủi ro pháp lý, rủi ro trách nhiệm khi nợ xấu tăng lên; hạn chế cho vay cũng là để tự bảo vệ mình. Còn tại Ngân hàng Quân đội, với lá chắn trên, trở ngại đó không lớn”, bà Nga nói.

Hay như tại Viettel, 1 trong 8 giá trị cốt lõi của tập đoàn này là truyền thống và cách làm của người lính. Truyền thống của người lính là có tính kỷ luật thép, tuyệt đối. Cách làm của người lính là nhanh, quyết đoán, triệt để.

“Quân đội có những cái mà các doanh nghiệp rất cần, như tính kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh. Quân số của Viettel bây giờ đã lên tới 20.000 người, nếu tổng chỉ huy ra lệnh mà lệnh không triệt để thì rất khó làm. Người Viettel thừa hưởng từ quân đội truyền thống ấy”, ông Hùng nói.

Theo ông, trong xã hội hiện đại, con người có sẵn sàng chấp nhận khó khăn, hy sinh hay không khó hơn rất nhiều so với thời chiến tranh. Tuy nhiên, ở Viettel, mọi người chấp nhận những điều đó rất đơn giản. Ngày hôm nay một cá nhân có thể ở Việt Nam, ngày mai đi Campuchia, Lào hay một nước châu Phi, châu Mỹ là điều bình thường.

“Điều này tạo nên sức mạnh của của Viettel. Đấy là những giá trị không thể đong đo bằng tiền được, nhưng những giá trị ấy tạo nên cốt lõi của doanh nghiệp. Nếu không có điều đó, chưa chắc đã có Viettel hôm nay”, ông Hùng đúc kết.

Không chỉ có văn hóa kỷ luật, Viettel cũng có những chiến lược dùng người rất riêng biệt. Trong phần “Binh pháp Viettel” nói về cách làm cũng như những kinh nghiệm thành công của Vietel trên website của tập đoàn này, phần lớn đề cập đến cách dùng người, những bài học liên quan đến con người.

Ví dụ như ở mục kinh nghiệm tuyển người, Viettel cho biết, cách làm của họ là tuyển 10 người sau 6 tháng chọn lấy 5 người. Theo Viettel, tìm ra những người phù hợp, đặt đúng người vào đúng việc, loại bỏ những người không phù hợp thì sự thành công sẽ tự đến.

Hay như trong quy luật 5/95, Viettel đúc kết rằng, trong hầu hết mọi việc, chỉ có 5% là mới, còn lại 95% là những việc đơn giản họ đã từng làm, từng có kinh nghiệm. Vì vậy, người lãnh đạo phải biết chia nhỏ việc để chỉ ra những phần thuộc về 95% và những phần thuộc về 5% để mọi người không thấy ngại việc khó, việc mới. Cũng vì thế mà nguồn nhân lực cũng không nhất thiết phải toàn là những người giỏi. Viettel chỉ cần tìm được 5% người để làm những việc khó, còn lại là 95% làm việc theo quy trình, theo các chỉ dẫn đã có.

Trong cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại" của GS. Jim Conllins, Đại học Harvard, một trong những đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp vĩ đại là có văn hóa kỷ luật rất cao. Tuy nhiên, tính kỷ luật ấy được đặt trong khuôn khổ là tự do sáng tạo và tự chịu trách nhiệm. Đặt trong nền văn hóa đó là những con người có kỷ luật, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để hoàn thành trách nhiệm của mình.

Tại Việt Nam, văn hóa doanh nghiệp dường như vẫn chưa được các nhà quản trị xem trọng, hoặc chỉ được xem như một chiếc áo đẹp, phục vụ cho công cuộc tiếp thị hình ảnh thương hiệu. Tuy nhiên, dù không thể đo đếm được, nhưng sức mạnh thực sự của văn hóa doanh nghiệp không chỉ có vậy. Câu chuyện về sự thành công của các doanh nghiệp quân đội như Viettel, MB hay những doanh nghiệp trong cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại, bằng văn hóa kỷ luật có lẽ là một chiến lược quản trị mà các doanh nghiệp có thể tham khảo.

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)
Đến năm 2013 này, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, khẳng định sự nỗ lực và bản lĩnh của doanh nghiệp Việt, và mở ra một cánh cửa với nhiều hi vọng cho những chiến lược kinh doanh mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lập cơ sở làm ăn tại nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị trường, đồng thời doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ cao, học hỏi những ứng dụng trong công nghệ thông tin, từ đó nâng dần năng lực cạnh tranh. Dự kiến năm 2013 này, vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt khoảng 1 – 1,5 tỷ USD; vốn thực hiện sẽ khoảng 900 triệu USD đến 1 tỷ USD.

Hòa vào xu hướng hội nhập

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chính thức khởi động từ năm 1989, với cột mốc đầu tiên là dự án liên kết giữa đối tác Việt Nam và một đối tác của Nhật Bản với số vốn đăng ký là 563.380 USD. Ở giai đoạn đầu của xu hướng được xem là những bước thăm dò cơ hội.

Vì vậy, trong giai đoạn từ 1989 – 1998 cả nước chỉ có 12 dự án đăng kí ra nước ngoài đầu tư. Tình hình cải thiện hơn khi bước sang giai đoạn từ 1999-2005, trong thời gian này làn sóng đi đầu tư ở nước ngoài bắt đầu nhiều, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 128 dự án đăng kí trong 6 năm này.

Song, nếu nói về số lượng và quy mô của dự án đầu tư ra nước ngoài phải nhắc đến giai đoạn 2006 - 2012. Tính từ 2006 - 9/2012, có 578 dự án được cấp phép đầu tư ở nước ngoài.

Điểm đến của các nhà đầu tư Việt Nam, ngoài các thị trường lân cận, quen thuộc như Lào, Campuchia, Nga, doanh nghiệp đã đi tới cả những quốc gia vốn đang là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, châu Âu, châu Mỹ Latinh...

Những năm vừa qua, làn sóng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến 20/12/2012 đã có 712 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD.

Đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lũy kế đến hết năm 2012, vốn thực hiện ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Riêng năm 2012 vốn thực hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011.

Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp luôn nỗ lực để khẳng định năng lực bản thân và qua hoạt động của công ty xây dựng nên hình ảnh chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã từng bước đi vào nề nếp, có một số dự án đã bước đầu thành công và đã chuyển lợi nhuận về nước.

Xu hướng đầu tư ra nước ngoài đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư ra của Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar... và vào những ngành, lĩnh vực chiến lược Việt Nam có kinh nghiệm như dầu khí, thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông,... Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư.

Đến nay, đầu tư ra nước ngoài ở nhiều lĩnh vực đã đạt được nhiều thành công như lĩnh vực dầu khí, bưu chính viễn thông.

Như thông tin mà ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài công bố, một số dự án ở lĩnh vực dầu khí, viễn thông và cao su của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở các nước đã bước đầu gặt hái kết quả và chuyển lợi nhuận về nước với nguồn lợi nhuận khoản 430 triệu USD.

Trải qua từng năm với những bước đi cẩn thận nhưng tính đa dạng của hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng thể hiện khá rõ nét về thị trường đầu tư đa dạng, về ngành nghề, về quy mô, hình thức đầu tư, về các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Hành lang pháp lý quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng địa bàn kinh doanh khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ tiếp tục cải thiện.

Phát huy tối đa những lợi thế

Theo định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ có cơ chế đặc thù đối với hoạt động đầu tư sang các nước lân cận và Việt Nam có nhiều lợi thế đẩy mạnh hoạt động, khai thác thị trường như Lào, Campuchia.

Những năm qua, Campuchia và Lào là một trong những địa điểm đầu tư được các doanh nghiệp Việt Nam chú ý bởi thuận lợi về mặt địa lý sẽ bổ trợ tích cực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong nước.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 9/2012, Việt Nam đã có 222 dự án được cấp phép đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng kí đầu tư là 3,8 tỷ USD.

Còn, như số liệu của Hội đồng Phát triển Campuchia, từ 1994 đến 2012, doanh ngiệp Việt Nam đã đầu tư trên 1,5 tỷ USD vào Campuchia trong tổng vốn 50 tỷ USD FDI của 2.000 dự án đã được Campuchia cấp phép.

Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) đang đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia. Từ năm 2007, tập đoàn bắt đầu tiến hành khảo sát và hướng tới trồng 100.000 ha cao su ở hai nước này.

Ông Huỳnh Trung Trực, Phó tổng giám đốc VRG cho biết, đến nay tập đoàn đang có 19 doanh nghiệp hoạt động tại Campuchia. Năm 2012, VRG đã trồng được 70.000 ha cao su và trồng mới 25.000 ha. Mục tiêu đến năm 2014 sẽ trồng đạt 100.000 ha. Tổng mức đầu tư các dự án trồng cao su ở nước ngoài là 1 tỷ USD.

Hiện, tập đoàn đã đầu tư được 400 triệu USD. Đến năm 2015, các dự án đầu tư của tập đoàn sẽ bắt đầu có kim ngạch xuất khẩu, và mức kim ngạch xuất khẩu đến 2020 ước đạt 400 triệu USD.

Nói đến đầu tư ở nước ngoài có thể nhắc đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Ngoài đầu tư các dự án cao su, đến thời điểm này, HAGL không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực khách sạn và du lịch mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất (chiếm 26%) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn du lịch và trung tâm thương mại tại Myanmar.

Ngày 18/12/2012, HAGL đã kí kết hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT) và Hợp đồng thuê đất với Tổng cục Khách sạn du lịch Myanmar. Dự án có tổng diện tích 8 hecta, tọa lạc ngay trung tâm Cố đô Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD. Thời gian hoàn thành dự án từ 6 đến 7 năm nữa.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2013 – 2015, sẽ xây dựng trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng cho thuê 1 và khách sạn 5 sao. Giai đoạn 2 sẽ làm từ 2016 - 2018, gồm khu căn hộ cho thuê và tòa nhà văn phòng cho thuê 2.

Hiện nay, Myanmar là thị trường đang được nhiều doanh nghiệp chú ý.

Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch C.T Group chia sẻ rằng, tại thị trường Myanmar, C.T Group phối hợp với Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao để đẩy mạnh việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường này.

Theo đó, C.T Group đại diện cho 50 công ty tổ chức hệ thống phân phối theo hình thức truyền thống bao gồm chợ đầu mối, siêu thị và các cửa hàng; thứ hai là hình thức phân phối hiện đại với mô hình HomeShopping, hiện tại đang xin phép để hình thành dịch vụ này vận hành qua các thiết bị tivi, điện thoại và Internet. C.T Group liên doanh với công ty chuyên về dịch vụ HomeShopping hàng đầu thế giới để triển khai.

Ngoài ra, C.T Group đang triển khai đầu tư sản xuất sản phẩm bột mì và mì ăn liền tại Myanmar. Đồng thời cũng đang xúc tiến hai dự án bất động sản. Ông Chung cho rằng, Myanmar là thị trường tiềm năng với dân số 60 triệu người và hạ tầng giao thông khá tốt.

Nếu doanh nghiệp thật sự nỗ lực, có uy tín thì vào kinh doanh đầu tư tại Myanmar sẽ có cơ hội thành công và cạnh tranh tốt với những doanh nghiệp như Thái Lan và các nước khác trong khu vực đang đầu tư tại thị trường này. Vì vậy, C.T Group đang xem xét để mua lại hai công ty nhỏ tại thị trường Myanmar để mở rộng hoạt động.

Lĩnh vực dầu khí cũng được xem là thế mạnh của Việt Nam khi đầu tư ra ngoài nước. Tại Nga, Việt Nam là quốc gia nước ngoài duy nhất được nước bạn cấp phép tham gia các hoạt động thăm dò dầu khí.

Ông Maxim Golikov, đại diện Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, Công ty liên doanh TNHH RusVietpetro giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Nga đã được thành lập, và cấp phép khai thác 4 mỏ tại khu tự trị Yamalo-Nenetsky và từ tháng 9/2010 đã bắt đầu bắt tay vào khai thác.

Theo báo cáo của PVN, tính đến hết quý III/2012, PVN đã đầu tư ra nước ngoài 5,28 tỷ USD, trong đó vốn đã chuyển ra nước ngoài để thực hiện là 1,81 tỷ USD. Hiện tại, PVN đang thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò nhiều dự án dầu khí ở một số quốc gia.

Công nghệ thông tin bưu chính viễn thông cũng là điểm sáng trong hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam, tiêu biểu nhất là hoạt động đầu tư của Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel).

Như thông tin Viettel cho biết, với sự kiện Công ty Viettel Cameroun S.A.R.L (liên doanh giữa Viettel Global và Công ty Bestinver Cameroon S.A.R.L) đã thắng thầu giấy phép nhà cung cấp di động thứ 3 tại thị trường Cameroon đã mở ra cơ hội kinh doanh mới cho Viettel. Cameroon là thị trường nước ngoài thứ 7 mà Viettel đã bắt tay vào kinh doanh sau thị trường Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique và Đông Timor.

Tìm kiếm những cơ hội mới, ở những thị trường mới là điều đáng khích lệ, tuy nhiên điều mà các chuyên gia muốn gửi đến các doanh nghiệp là hãy đi những bước chậm rãi để chắc chắn, cần tìm hiểu kĩ luật định, đường đi nước bước của nước bản địa dự định đầu tư để tránh những cú “ngã ngựa” sẽ rất đau.

 Khi ra nước ngoài kinh doanh, việc kết nối với thương vụ Việt Nam ở nước sở tại là điều cần thiết, hiện tại mối quan hệ này còn lỏng lẻo. Bởi, khi đi đầu tư ở một nước lạ, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn như thiếu thông tin, thiếu nhân lực, hoạt động cấp phép chậm, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện...

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
“Hàng sáng phải xem tài khoản khách hàng như thế nào, lên chiến lược đầu tư, đánh giá thị trường, gọi điện hoặc qua các kênh trung gian như chat, e-mail, gửi thông tin đến cho khách hàng khuyến cáo, nhận định, tư vấn giao dịch theo từng trạng thái cụ thể của khách hàng”. Nguyễn Hữu Việt, Giám đốc khối Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS), chia sẻ với VnEconomy về một ngày làm việc bình thường của ông.

Vậy từ kinh nghiệm cá nhân lẫn trong quá trình tư vấn cho khách hàng, ông thấy đâu là những sai lầm hay mắc phải nhất của một nhà đầu tư cá nhân?


Tôi thấy, sai lầm phổ biến nhất là lối tư duy không mang tính chất tài chính chuyên nghiệp. Nhiều nhà đầu tư nghĩ mua cổ phiếu giống như mua một món hàng vậy. Nhưng thực tế, việc tham gia thị trường chứng khoán là đầu tư tài chính và nó khác rất nhiều.

Ví dụ khi mua một món hàng, anh có thể cân đong đo đếm như một bộ quần áo, có thể so sánh giá năm nay với giá năm ngoái để ước tính mức độ đắt rẻ.

Câu chuyện của chứng khoán hoàn toàn khác. Thị trường chứng khoán phản ánh nền kinh tế và định giá trong từng thời điểm. Một cổ phiếu ở thời điểm này năm ngoái anh mua nó với giá 10 nhưng sau đó lên 18 thì mua giá 10 là hợp lý và có lãi. Nhưng năm nay nếu chỉ có giá 5, vẫn với tư duy so sánh đó, anh sẽ thấy nó quá rẻ, nhưng cổ phiếu đó vẫn có thể xuống tiếp đến giá 2, thậm chí có cổ phiếu còn vài trăm đồng.

Sai lầm đó là do nhà đầu tư đã định nghĩa chứng khoán giống như một món hàng.

Sai lầm thứ hai là nhà đầu tư hầu như không biết đến khái niệm cắt lỗ. Thực tế trong đầu tư tài chính, việc cắt lỗ và sửa sai là rất cần thiết. Đã có những thống kê là khi anh lỗ 50% thì anh phải cố gắng để khoản đầu tư sau đó tăng gấp đôi thì mới hòa vốn. Anh thua 90% thì anh phải làm sao cho tài khoản sau đó tăng 900% mới hoàn vốn.

Sai lầm thứ ba và rất phổ biến, là quan điểm đầu tư giá trị. Nhà đầu tư hay hiểu nhầm về khái niệm đầu tư giá trị. Nhiều người cứ xem mình là “đệ” của Warren Buffett, ngộ nhận như vậy để không sửa sai.

Thực tế là khi Warren Buffett đầu tư giá trị, ông đã chọn lựa kỹ càng doanh nghiệp trước, tham gia đầu tư để có khả năng chi phối được doanh nghiệp đó. Còn hầu hết nhà đầu tư của ta chỉ thích cổ phiếu này thì mua và khi giảm giá ngoài ý muốn nhưng không muốn cắt lỗ nên chuyển thành dài hạn. Đó không thực sự là đầu tư giá trị.

Nhiều nhà đầu tư đến giờ còn tâm sự thật với tôi là mua cổ phiếu OTC mà bao nhiêu năm nay còn không đi họp cổ đông, chưa được nhận một đồng cổ tức nào.

Vậy ông hiểu câu mua nói của Warren Buffett “hãy tham lam khi người khác sợ hãi” như thế nào?


Tham lam hay sợ hãi phải có tính thời điểm. Tôi lại ưa thích hình ảnh khác. Câu “hãy tham lam khi người khác sợ hãi” cũng gần với câu “hãy đi ngược lại đám đông”. Hình ảnh rõ nét nhất là khi một đàn linh dương đang chạy thì kể cả sư tử nhảy vào đi ngược lại cũng có thể bị đè chết. Vì thế tốt nhất là hãy tách khỏi đám đông, hoặc đi theo đám đông!

Khi thị trường đang lao dốc mạnh thường nhiều người nhảy vào mua, nhưng xác suất “chết” là cao hơn. Tham lam khi người khác sợ hãi phải đi liền với vị thế của mình. Warren Buffett hoàn toàn khác, ông ta đầu tư giá trị và giá có thể giảm 40% thì cũng không quan tâm, vì ông quan tâm nhiều hơn đến quản trị, hoạt động của doanh nghiệp đó trong dài hạn, vẫn vực dậy được và có tiềm năng cũng như giá trị trong tương lai cao hơn.

Giai đoạn hiện tại rất nhiều cổ phiếu dùng từ rẻ thực ra là không đúng. Thị trường chứng khoán ngắn hạn không có khái niệm rẻ - đắt, chỉ có thể nhìn nhận là giá cổ phiếu đang ở mức thấp. Các khoản đầu tư giá trị lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, đối tác nước ngoài sẵn sàng mua với giá cao hơn giá đang giao dịch hàng ngày và giá trên thị trường có thể giảm nhưng họ chấp nhận, không quan tâm nhiều đến biến động hàng ngày.

Còn khi đa số nhà đầu tư hiện nay là ngắn hạn, lướt sóng thì tư duy “tham lam khi người khác sợ hãi” theo tôi là tư duy nguy hiểm. Tốt nhất hãy thuận theo đám đông hoặc đến thời điểm thì tách ra khỏi đám đông để chờ đợi lúc xác định xu hướng rõ ràng hơn.


“Nhiều người cứ xem mình là “đệ” của Warren Buffett” 1Khi thị trường đang lao dốc mạnh thường nhiều người nhảy vào mua, nhưng xác suất “chết” là cao hơn. Tham lam khi người khác sợ hãi phải đi liền với vị thế của mình. Ông Nguyễn Hữu Việt

An toàn là trên hết

Nhìn lại năm 2012, ông đón nhận thông tin về vụ bắt “bầu Kiên” trong  hoàn cảnh nào?


Ngày 21/8/2012, tôi cũng tương đối bất ngờ và khi đó vẫn đang nắm giữ một lượng cổ phiếu. Ngay khi đọc được thông tin đó, rất nhiều khách hàng hỏi nên làm gì. Khi có những thông tin mang tính chất biến cố lớn thì phải thoát. Tâm lý nhà đầu tư lại là tin ra rồi thì phải mua, đi ngược đám đông. Hãy xem họ, thị trường cuối năm đã tăng mạnh như đến nay giá vẫn thấp hơn khá nhiều so với trước thời điểm xảy ra vụ “bầu Kiên”. Tôi đã hoàn toàn thoát ra khỏi thị trường hôm đó.

Vậy phản ứng của khách hàng khi anh đưa ra lời khuyên thoát khỏi thị trường thời điểm đó như thế nào?

Ngay đầu giờ khi xuất hiện thông tin, tôi đã khuyên khách hàng thoát ra. Có một số khách hàng theo, nhưng một số lại đi ngược đám đông vì cho rằng thông tin đã ra rồi. Thực tế số khách hàng mua đó cũng không nhiều nhưng cũng đến 10-20% khách hàng vẫn chơi theo kiểu như vậy.

Sau đó họ có than vãn gì không?


Sự than vãn nhìn chung là không có vì những người như vậy đã mắc các sai lầm như vậy một cách phổ biến rồi.

Trên góc độ một nhà phân tích thì theo ông tại sao sự kiện đó lại có tác động lớn như vậy?


Thực ra việc thị trường suy giảm mạnh và lâu như vậy cũng không hẳn chỉ do một nguyên nhân là vụ “bầu Kiên”. Thị trường chịu nhiều áp lực khác, nhưng vì sự kiện đó bất ngờ quá nên người ta cho rằng sự kiện cụ thể làm suy sụp thị trường. Nhưng nếu nhìn trong khoảng thời gian rộng hơn thì khác. Thị trường từ tháng 5 đã giảm rồi chứ không phải đến ngày 21/8 mới giảm.

Vụ “bầu Kiên” có sức ảnh hưởng lớn vì dính đến hai mảng lớn nhất: ngân hàng và bất động sản. ACB hay bầu Kiên” có những mắt xích rộng nên sức lan tỏa lớn và tác động mạnh. Những biến cố lớn ở các tổ chức lớn, có tầm ảnh hưởng trên thị trường có thể tạo ra biến động lớn đột ngột.

Cổ phiếu tốt hay cổ phiếu tăng giá?
Việc tư vấn của ông dựa nhiều trên yếu tố phân tích cơ bản hay kỹ thuật?


Căn cứ quan trọng nhất là các biến động thị trường và biến động kỹ thuật vì hầu hết khách hàng tập trung vào lướt sóng là chính. Khi đó các thông tin cơ bản chỉ mang tính chất hỗ trợ, giúp giảm thiểu rủi ro như không mua vào các cổ phiếu có nguy cơ phá sản hay hủy niêm yết. Còn các  biến động ngắn hạn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật của thị trường nhiều hơn.

Vậy có khi nào khách hàng yêu cầu tư vấn về một cổ phiếu “lởm” nhưng tăng giá rất mạnh? Đánh giá của ông với những cổ phiếu như thế này là gì?


Thực tế khái niệm cổ phiếu “lởm” cũng chỉ là tương đối. Với đầu cơ ngắn hạn thì quan tâm nhiều hơn đến cổ phiếu nào sẽ đem lại lợi nhuận. Trong ngắn hạn thì một cổ phiếu tốt là một cổ phiếu tăng giá, đem lại lợi nhuận kỳ vọng.

Trên quan điểm đó thì các cổ phiếu có độ beta lớn tính biến động cao tôi vẫn khuyến cáo khách hàng có thể tham gia. Lưu ý hai góc độ là nên tránh các cổ phiếu có nguy cơ cao về phá sản hay tỉ lệ nợ quá cao, hoặc chỉ tham gia với tỉ trọng thấp để giảm rủi ro cho danh mục. Còn tư vấn phổ biến nhất là nên tham gia với các cổ phiếu có thanh khoản tốt.

Trên thị trường có nhiều cổ phiếu mà doanh nghiệp đang lỗ nhưng thanh khoản vẫn rất cao tức là nhiều người quan tâm. Vẫn có thể khuyến cáo khách hàng tham gia với quan điểm ngắn hạn, không nên tham gia với quan điểm dài hạn.

“Nhiều người cứ xem mình là “đệ” của Warren Buffett” 2Đầu cơ nên có kế hoạch, hơn là ngồi phán đoán nhịp tăng này của thị trường sẽ lên đến 80 hay 100 điểm. Không ai có thể chắc chắn được chuyện đó, và những người đã từng thử sức thì chắc không mấy người đúng. Ông Nguyễn Hữu Việt

Linh hoạt theo thị trường

Trong quá trình tư vấn cho khách hàng năm qua, ông đã gặp những sai lầm gì không?


Năm 2012 quan điểm chung ở IRS là tương đối thận trọng, không tự doanh nên sai lầm để khách hàng bị kẹt  hàng là không có. Nhưng vẫn có những thời điểm thận trọng quá mức thì thời điểm tháng 4, 5 có thể coi là một sai lầm khi khuyên khách hàng thoát và giữ quan điểm thận trọng. Thời gian này khá nhiều cổ phiếu nóng đã tăng rất mạnh.

Có lúc nào quan điểm phân tích của ông xung đột với quan điểm của khách hàng không?


Trên thị trường thì rất nhiều quan điểm trái chiều. Một công ty chứng khoán thì khách hàng cũng là một thị trường thu nhỏ. Ngày nào những xung đột quan điểm cũng xuất hiện. Có lúc mình quan điểm mua thì khách hàng muốn bán  và ngược lại. Cũng có nhiều khách hàng đồng quan điểm với mình. Đó là câu chuyện thường ngày.

Nhưng, có trường hợp nào mà quan điểm phân tích của ông được thực tế chứng minh là không phù hợp? Chẳng hạn chi qua một đêm buộc phải thay đổi quan điểm?


Khi đã tư vấn chuyên nghiệp thì không nên tư vấn theo kiểu phán đoán. Tư vấn phải phụ thuộc vào trạng thái của khách hàng để hành xử phù hợp, tránh việc phải thay đổi ý kiến đột ngột, trừ phi xuất hiện những diễn biến bất thường.

Ví dụ trường hợp “bầu Kiên”. Giai đoạn trước đó thị trường có một quá trình tích lũy nhất định và tôi cũng có tư vấn cho khách hàng vào. Ngay sau khi xảy ra sự kiện sáng hôm sau đã phải gọi điện cho khách hàng tư vấn rằng nếu cổ phiếu nào đã mua rồi thì đợi về tài khoản, còn lại dừng mua mới và cổ nào có trong tài khoản lập tức bán ra.

Liệu khách hàng của ông có dễ chấp nhận nhận những thay đổi đột ngột đó hay không?


Việc ý kiến của mình có tính thuyết phục cao hay không còn phụ thuộc vào uy tín trong quá trình làm nghề. Tôi không hô hào một cách bừa bãi mà phải phân tích có cơ sở. Tư vấn phải dựa trên các tín hiệu, sau đó đưa quan điểm và có lường trước các kịch bản như thế nào. Khi các kỳ vọng của mình không đạt được thì khuyên khách hàng nên thoát ra. Khi đó khách hàng đã hiểu được câu chuyện.

IRS cũng có chương trình hỗ trợ đào tạo nhất định cho khách hàng nên những câu chuyện trách móc đó tuy cũng có nhưng rất ít. Cụ thể trong vụ “bầu Kiên” thì không có trường hợp nào trách móc cả.

Theo quan điểm của ông, mối lo lớn nhất của thị trường hiện tại là gì?


Tôi nghĩ, mối lo lớn nhất là cung cầu đơn thuần. 2013 sẽ chứng kiến áp lực thoái vốn của các quỹ và điều này thường dẫn đến việc phải thanh khoản danh mục sớm. Rủi ro mang tính chất thông tin hỗ trợ là các quyết sách vĩ mô. Thị trường đang kỳ vọng nợ xấu sẽ được giải quyết và dòng vốn cho nền kinh tế được khơi thông. Nếu câu chuyện đó không thấy chuyển biến gì thì kỳ vọng sẽ chuyển thành thất vọng.

Con sóng hồi đầu năm 2012 cũng vậy. Lãi suất giảm khi người ta kỳ vọng chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng lỏng hơn thì tiền sẽ ra và các kênh đầu tư sẽ được hưởng lợi. Nhưng thực tế là đến tháng 4, tháng 5, tốc độ tăng trưởng tín dụng gần như bằng 0. Câu chuyện là gì? Tiền đã không bơm ra được như kỳ vọng và thị trường thất vọng. Thị trường luôn đón nhận các thông tin giảm lãi suất, cả giảm giá xăng, nhưng thị trường vẫn đi xuống.

Đừng tốn sức vẽ kịch bản


Nếu khách hàng hỏi về độ bền của một con sóng, ông sẽ trả lời thế nào?


Câu trả lời phải đứng trên quan điểm của nhà đầu tư ngắn hạn là việc đoán thị trường là không cần thiết. Ứng xử nên căn cứ vào các tín hiệu cụ thể tại từng thời điểm. Chẳng hạn giá tăng liên tục không điều chỉnh tức là tâm lý hưng phân được đẩy dần lên mức cao độ thì nhà đầu tư nên mua với tỉ trọng thấp dần và quan sát các tín hiệu xấu để bán ra.

Đầu cơ nên có kế hoạch, hơn là ngồi phán đoán nhịp tăng này của thị trường sẽ lên đến 80 hay 100 điểm. Không ai có thể chắc chắn được chuyện đó, và những người đã từng thử sức thì chắc không mấy người đúng.

Khi ông đọc được những phân tích “vẽ” kịch bản cho thị trường, thì cảm giác của ông thế nào?


Cũng là một người trong nghề thì tôi cũng hiểu câu chuyện này. Đôi khi trong nghề phải kể những câu chuyện như vậy để có tính thuyết phục với khách hàng. Đó chỉ là những kịch bản dự kiến, còn hành xử cụ thể, tư vấn cụ thể thì khác.

Ngay như với tính cách của từng khách hàng, có người quan điểm sóng lớn họ mới vào thì ngay cả khi có tín hiệu tốt, thay vì nói là sóng này là sóng hồi thì có thể vẽ ra một kịch bản với các mốc nào đó. Khi đó sẽ kích thích khả năng tham gia thị trường của khách hàng hơn. Đó như một dạng kỹ năng bán hàng vậy.

Vậy ông suy nghĩ gì với quan điểm thay vì cố gắng dự đoán thị trường, hãy học cách ứng xử phù hợp với từng trường hợp cụ thể, trong từng thời điểm cụ thể?


Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Hiện một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư lẫn bộ phận phân tích đang đặt nặng vấn đề dự đoán thị trường. Nhưng chung cuộc lại, câu chuyện quan trọng nhất là: trạng thái của mình như thế nào. Anh là ngắn hạn hay dài hạn? Nếu là ngắn hạn thì khi các diễn biến trong ngắn hạn không như kỳ vọng là phải bán, không được nhảy sang trường phái dài hạn.

Kế đến là phải xác định được những vùng giá có khả năng tạo đáy hay tạo đỉnh, các tín hiệu thường thấy khi thay đổi xu hướng. Không ai đoán được đúng đỉnh cả nên không trông mong gì bán được giá tại đỉnh. Một số tín hiệu thường thấy là tại vùng đỉnh, tâm lý nhà đầu tư đa phần hưng phấn, hồ hởi thì bắt đầu nên quan ngại.

“Nhiều người cứ xem mình là “đệ” của Warren Buffett” 3Nhà đầu tư thông thường khi đã “say sóng” thì rất dễ vứt bỏ các nguyên tắc, nhất là khi nhìn thấy những người xung quanh mình kiếm lợi nhuận cả 100%, họ rất dễ bị cuốn theo và các nguyên tắc nhanh chóng bị lãng quên. Ông Nguyễn Hữu Việt

Chiến thuật và kỷ luật


Ngay cả khi nhà đầu tư nhận biết sóng chuẩn xác thì lợi nhuận vẫn không được như kỳ vọng nếu không có chiến thuật giao dịch hợp lý, không biết cắt lỗ, cơ cấu danh mục sai. Kinh nghiệm cá nhân của ông trong vấn đề này thế nào?


Đầu tư lẫn đầu cơ cầu nhiều kỹ năng, trong đó phải có chiến lược quản trị tài chính, các nguyên tắc cắt lỗ cơ bản, có chiến lược vào hàng, thoát hàng. Ví dụ không nên “tất tay” vào một cổ phiếu hay một lần, mà nên giải ngân từng phần.

Tôi nói vui là nên áp dụng chiến lược vào vốn theo đội hình 3-5-2. Ví dụ với phần vốn 1 tỷ đồng, đầu tiên khi nhìn thấy tín hiệu tạo đáy thì vào trước thăm dò 300 triệu. Sau đó khi thị trường có nhiều dấu hiệu hơn, chắc chắn hơn thì vào tiếp 500 triệu. Sau khi đạt sóng mạnh thì tại các nhịp điều chỉnh nếu muốn “cố thêm” thì vào nốt 200 triệu. Khi ra cũng vậy, không nên bán hết trong một lần, vì có khả năng phán đoán sai và thị trường còn lên nữa. Nếu bán cũng nên thoát dần từng phần.

Khi ông tư vấn chiến thuật “đi tiền” như vậy, có sự khó khăn nào trong tiếp nhận của khách hàng không?


Phải khẳng định rằng trong hai năm vừa qua thị trường đón nhận rất ít nhà đầu tư mới. Còn những nhà đầu tư bám sàn đến thời điểm hiện tại thì ít nhất kinh nghiệm cũng đã 4-5 năm. Kiến thức cũng như kinh nghiệm của họ đủ để tiếp nhận những kỹ thuật giao dịch như vậy. Vấn đề là nhiều người không phải là những nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp nên nhiều lúc tính kỷ luật là thiếu.

Với nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ quan tâm đến rủi ro nhiều hơn nên có thể làm giảm mức độ lợi nhuận và họ tuân thủ triệt để kỷ luật. Nhưng, nhà đầu tư thông thường khi đã “say sóng” thì rất dễ vứt bỏ các nguyên tắc, nhất là khi nhìn thấy những người xung quanh mình kiếm lợi nhuận cả 100%, họ rất dễ bị cuốn theo và các nguyên tắc nhanh chóng bị lãng quên.

Kỹ thuật, kinh nghiệm, chiến thuật đôi khi không đem lại hiệu quả tốt nếu không có kỷ luật.

Ông thường tư vấn chiến thuật cắt lỗ thế nào?


Cắt lỗ thông thường căn cứ trên trạng thái cụ thể và theo tỉ lệ phần trăm. Nếu khoản đầu tư đang nắm giữ giảm một nửa thì khoản đó phải tăng gấp đôi giá trị thì mới hòa vốn. Nếu lỗ 8% thì chỉ cần tăng 8% là hoàn lại tài sản. Theo tôi mức 8-10% là mức thích hợp để cắt lỗ. Thực tế là cả danh mục của mình lỗ đến 10% thì thị trường chắc chắn có chuyển biến xấu. Khi cắt lỗ 8-10% thì cơ hội kiếm trở lại 8-10% dễ dàng hơn cơ hội kiếm lợi nhuận 100%.

Vậy khi một khách hàng sử dụng margin lớn mà ông tư vấn cắt lỗ, có sức ép nào ở đây không?


Nguyên tắc khi sử dụng margin là đã có quy định rõ ràng. Khi vi phạm các quy định đó thì phải ứng xử phù hợp. Việc giải chấp cũng chính là để bảo vệ quyền lợi cho cả khách hàng lẫn công ty. Thực tế cho thấy hệ lụy của việc quản lý rủi ro lỏng lẻo, tưởng là giúp khách hàng nhưng thực tế là tăng rủi ro cho cả hai bên. Ví dụ ở trên, mức cắt lỗ thường là 10%, nếu đã để đến phải giải chấp tức là lên tới 30-40% rồi. Khi đó thị trường đã quá xấu. Và trong tình trạng đó, càng duy trì danh mục, càng bơm tiền vào thêm thì rủi ro càng lớn.

Cuối cùng, xin hỏi ông một câu riêng tư, với vai trò tư vấn trực tiếp, áp lực công việc là như thế nào?


Áp lực lớn! Việc tư vấn là thường ngày. Anh liên tục phải đưa ra quan điểm. Việc đưa ra quan điểm quá liên tục thường có độ chính xác không cao. Tuy nhiên sẽ đơn giản hơn nếu tư vấn về từng trạng thái cụ thể của khách hàng. Nghề tư vấn chịu sức ép rất cao vì khách hàng kiểm chứng các quan điểm của mình hàng ngày. Nhưng, đây cũng chính là cái thú vị của nghề!

Tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế vẫn là câu chuyện thời sự của năm 2013...

Tái cơ cấu nền kinh tế và câu chuyện niềm tin
Giải quyết vấn đề nợ xấu là một trong những thách thức lớn đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế - 


“Báo cáo với Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế không thể nói suông là tôi rất khẩn trương, rất quyết liệt, mà phải đưa ra kết quả có thể đo lường được bằng những tiêu chí cụ thể”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nói với VnEconomy.
Chứa đựng sự sốt ruột cao độ mỗi khi được nhắc đến ở các diễn đàn kinh tế trong năm 2012 vừa qua, và vẫn sẽ là câu chuyện thời sự nóng hổi của 2013, đó chính là bước đi của đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có câu chuyện niềm tin vào công việc rất quan trọng này.

Những ngày rất cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ, một việc chưa từng có tiền lệ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện các nghị quyết đã được Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012). Tại đây, điều được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh như một lý do để lần đầu tiên có hội nghị kiểu này là vì “nếu nghị quyết không đi vào cuộc sống thì không có ý nghĩa gì”.

Một trong số các nghị quyết đó đã được trích dẫn đậm nét tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ, về các giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Tại đây, Thủ tướng đã nhắc lại mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội thông qua, trong đó có yêu cầu “đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế”. Và đây cũng là một nội dung lớn ở nghị quyết số 01 của Chính phủ với các yêu cầu cụ thể nhằm “thực hiện quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế”.

Tuy nhiên, nhìn lại cả tiến trình từ khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế còn nằm trong ý kiến riêng lẻ của một số vị đại biểu cho đến khi được thảo luận rộng rãi tại nghị trường và những điều tai nghe mắt thấy hiện nay thì sự quyết liệt trên giấy đã “mất thiêng” ít nhiều.

Bởi, ngay từ đầu kỳ họp thứ tư vào cuối năm 2012, không ít vị đại biểu đã tỏ ra sốt ruột khi khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chạp, trong khi khó khăn của nền kinh tế ngày càng trầm trọng thêm. Thêm nữa, muốn nhìn thấu đáo nguyên nhân để có quyết sách, giải pháp mạnh mẽ cho quá trình này cũng khó, bởi thông tin về đề án từ báo cáo chung về tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ khá mờ nhạt.

Còn báo cáo riêng về việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền Thủ tướng ký chỉ được gửi đến các vị đại biểu trước phiên bế mạc của kỳ họp vỏn vẹn một ngày. “Quá trình soạn thảo về cơ bản đã hoàn tất và Thủ tướng sẽ sớm phê duyệt”, là một trong số ít những thông tin được cho là lạc quan tại báo cáo này.

Và, vì tất cả các phiên thảo luận đều đã qua, nên mức độ sơ sài của nó cũng chỉ nằm trong nhận xét bên hành lang của một số vị đại biểu quan tâm mà thôi. Theo thông lệ, đi kèm các bản báo cáo mang tính chuyên đề của Chính phủ thường có ý kiến của một ủy ban chuyên môn của Quốc hội.

Ở trường hợp này, theo thông tin từ một số vị đại biểu, Ủy ban Kinh tế cũng đã có những bước chuẩn bị ý kiến về việc triển khai thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh khi các ý kiến về nội dung này còn đang sôi nổi trên nghị trường. Tuy nhiên, văn bản này đã không xuất hiện, cho đến tận khi kỳ họp đã bế mạc.

Từ quan điểm cá nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, trong một bài viết trên VnEconomy vào đầu năm mới 2013 đã nhận xét: việc thực hiện đề án có phần rời rạc và thiếu tính chất tổng thể vì mỗi bộ, ngành lại được phân giao xây dựng đề án riêng, chưa có cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp chung và theo dõi tiến độ thực hiện đề án tổng thể và các đề án thành phần.

Đây cũng là cảm nhận không chỉ của riêng ông Kiên. Là một trong những người chắp bút soạn thảo đề án, sự quan tâm của Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung, đương nhiên là rất sâu.

"Tái cơ cấu nền kinh tế, cái đầu tiên ai cũng nói mà tôi cũng cho là đúng là phải làm cho luồng vốn nó chạy bình thường, đừng ép nó ra và cũng đừng ép nó vào. Ví dụ chưa xử lý nợ xấu mà ép tín dụng ra là không ổn, sẽ làm tăng nợ xấu và nhiều khi tiền không chạy vào sản xuất mà quay lại trả nợ ngân hàng", ông Cung trao đổi với VnEconomy.

Cho rằng khá khó hiểu khi nhìn vào các bước đi và giải pháp để xử lý nợ xấu, vị chuyên gia này nhấn mạnh đến sự đòi hỏi Chính phủ phải nói rõ hơn về mục tiêu muốn đạt được trong xử lý nợ xấu là gì, mục tiêu của từng giai đoạn là thế nào, công cụ và biện pháp ra sao. Từ đó phải công bố cả tiêu chí để đo lường kết quả đạt được thì lúc đó mới tạo ra áp lực để tái cơ cấu.

Lấy ví dụ từ thông tin dùng quỹ dự phòng để giải quyết nợ xấu, Viện phó Cung bình luận rằng, năm ngoái cũng nói quỹ dự phòng tăng, năm nay cũng nói quỹ dự phòng tăng mà nợ xấu không giảm, cái đó cũng gây ra sự khó hiểu.

“Ngân hàng còn chần chừ, cái gì trong tầm tay đã nói được thì nên làm ngay để thị trường tin rằng thực sự đang làm, ít nhất cũng phải nhìn thấy một hệ thống đang chuyển động thì mới có thể tin rằng là nó sẽ đến đích chứ không nhìn thấy chuyển động mà bảo tôi đang chạy đây, tôi đang chạy đây thì khó tin được”, ông Cung nói.
Các chương trình truyền hình thực tế, các cuộc thi tài năng tương tác đang ngày càng phổ biến, những người tham gia đa dạng ở mọi lứa tuổi, ngành nghề và giới tính được đặt vào những tình huống rất thật để khán giả theo dõi những phản ứng.



Tác giả Jennifer Goforth Gregory của tạp chí Entrepreneurs đã nghiên cứu một trong những show truyền hình thực tế hấp dẫn, căng thẳng và đầy mạo hiểm mang tên Storage Wars (Tạm dịch: Cuộc chiến kho chứa hàng). Trong mỗi chương trình, các đội chơi sẽ bị nhốt vào một căn phòng, một container hoặc một nhà kho với vô số vật phẩm trong đó.

Bằng sự nhanh nhạy, óc phân tích và một chút may mắn, họ sẽ sử dụng chính những thứ đồ đạc cũ, sách báo… tất cả mọi thứ có được để tạo ra những sản phẩm có giá trị nhất. Một số người cố gắng sắp xếp mọi thứ theo những trình tự để tìm kiếm cách thức khả thi nhất, số khác lại chỉ tập trung để ứng biến ngay tức thì. Những cách đó trùng hợp với những phản ứng của người làm kinh doanh.

Người thắng cuộc trong "Cuộc chiến kho chứa hàng" không phải là người bán hết mọi thứ có trong đó, mà là đội tạo ra được doanh thu nhiều nhất. Các giám khảo cũng chính là những người mua hàng, họ sẽ chọn ra đội chiến thắng dựa trên khả năng ứng biến, chiến lược giá, chất lượng sản phẩm của từng đội chơi… Từ một chương trình giải trí nhưng những bí kíp mà người làm kinh doanh có thể học được rất đa dạng:

Giá tốt nhất chưa hẳn là giá cao

Để tối đa hóa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp dễ dàng áp đặt những mức giá "khá cao" với kỳ vọng nhanh chóng thu hồi vốn. Tuy nhiên chiến thuật này rất sai lầm trong "Cuộc chiến kho chứa hàng" nói riêng, và kỳ kinh doanh ngắn nói chung. Thật vậy một món đồ hay một sản phẩm được đưa ra không dễ gì gây ấn tượng tức thì với người mua, hơn thế với vị thế trả giá ai cũng mong khoản chi ra là ít nhất.

Do đó, chiến lược giá tốt nhất phải là giá hợp lý nhất, đừng "tham bát bỏ mâm" khi đẩy giá quá cao so với chất lượng thực sự mà sản phẩm đem lại. Bí quyết nằm ở chỗ, người bán phải xác định chính xác chi phí cấu thành nên sản phẩm trước khi đặt giá bán và thương lượng giá với người mua. Một điểm chú ý khác cần phải cân nhắc, đó là khi thương lượng giá, nhiều người bán "cả nể", để tình cảm chi phối cuối cùng thay đổi giá tùy ý khiến mất cân đối thu chi sau này.

Giá tốt phải là giá theo thị trường

Nhận định này không khuyên người kinh doanh đặt giá bán theo giá của những người khác cùng ngành, hãy hiểu rộng hơn đó là xu hướng giá của toàn thị trường. Thay vì đặt giá vài trăm USD cho một chiếc bàn cũ trong khi không cố gắng tìm hiểu xem loại gỗ là gì, kiểu thiết kế phong cách nào vì rất có thể đó là chiếc bàn cổ trị giá cả chục ngàn USD, một sai lầm mà nhiều người tham gia "Cuộc chiến kho chứa hàng" hay mắc phải. Trong kinh doanh ngoài đời thực cũng vậy, hiện nay sự tư vấn và các dữ liệu thị trường từ các hãng nghiên cứu độc lập rất sẵn sàng, đừng tiếc tiền để có được những thông tin quý giá làm tiền đề khi định giá cho sản phẩm. Thậm chí, nếu không tin tưởng vào những kết quả khảo sát này, các doanh nghiệp có thể tìm đến những chuyên gia thị trường và kinh tế tại các cơ sở đào tạo chuyên sâu, họ sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn chính xác và đáng tin cậy.

Giá tốt là giá làm hài lòng khách hàng

Chúng ta từng tự hỏi, tại sao có cả hàng dài trăm người xếp hàng trước các cửa hiệu của Apple mỗi khi có sản phẩm ra mắt dù cho mức giá mà người bán này đưa ra chưa bao giờ rẻ. Có thể người ta cho rằng Apple giỏi PR, quảng cáo và thương hiệu uy tín nhưng thực tế là dù giá cao, nhưng một khi người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm của hãng này đều cảm thấy hài lòng với số tiền mà họ bỏ ra.

Trong "Cuộc chiến kho chứa hàng", một chiếc kính mắt nhỏ cũng có thể đem về tới 500USD nếu như nó làm hài lòng người mua. Một khi khách hàng ưng và cảm thấy thoải mái với sản phẩm mà bạn bán về chất lượng thì cái giá bạn đưa ra chỉ là thứ yếu khi họ xem xét quyết định mua. Bí quyết ở đây là người bán phải hiểu rõ giá trị thực sự của sản phẩm mình đang cung cấp, giới thiệu nó đến đúng đối tượng khách hàng và việc cuối cùng là thu lợi nhuận.


Theo thoibaokinhdoanh
 
Một chiếc túi Louis Vuitton có giá mài nghìn đô la Mỹ, bao bao nhiêu trong số đó là chi phí sản xuất? Thử tìm lời giải thông qua chiến lược định giá.

Giá sản phẩm luôn là vấn đề mà bất cứ doanh nghiệp nào khi bước vào kinh doanh cũng phải để tâm. Trước hết, giá cả liên quan trực tiếp đến doanh thu, đến lợi nhuận của công ty. Kế đến, giá sản phẩm quyết định mạnh mẽ vào quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Tầm quan trọng của chiến lược định giá


Giá sản phẩm phụ thuộc và chịu sự tác động của nhiều yếu tố từ nguyên vật liệu, công nghệ sản xuất, lao động đến quan hệ cung cầu, xu hướng tiêu dùng, chính sách kinh tế… Định giá sản phẩm còn tác động đến định vị sản phẩm trên thị trường. Giá cả biến động trong suốt vòng đời sản phẩm và trở thành đặc trưng quan trọng trong việc hoạch định chiến lược marketing.

Về cơ bản, chiến lược định giá là sự lựa chọn mức giá bán sản phẩm trên thị trường. Việc này dựa trên những phân tích đầy đủ quan hệ cung – cầu, mức chi trả của khách hàng mục tiêu. Định giá tương quan chặt chẽ với chiến lược định vị của doanh nghiệp. Chiến lược định giá gần như là là một bộ phận không tách rời chiến lược marketing. Cùng sản phẩm, phân phối, chiêu thị, chiến lược định giá giúp doanh nghiệp tạo một định vị phù hợp cho sự phát triển lâu dài của công ty.

Giá – yếu tố biên thiên

Để xây dựng chiến lược giá, hãy cùng phân tích các yếu tố tác động đến giá cả. Chiến lược định giá bị tác động trực tiếp bởi chính sản phẩm. Đó là giá cả của nguyên vật liệu, thù lao lao động, lợi nhuận biên. Thông thường, các doanh nghiệp dựa trên sản phẩm đảm bảo mức giá bán bù đắp chi phí sản xuất và mực lợi nhuận kỳ vọng.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên sản phẩm, doanh nghiệp có thể chịu nhiều rủ ro khi giá nguyên vật liệu biến động, khách hàng không chấp nhận giá, không đạt sản lượng kỳ vọng.

Khi định giá dựa vào khách hàng, doanh nghiệp phải xác định được khách hàng mục tiêu, hành vị tiêu dùng cũng như mức chi trả của họ. Song chính khách hàng lại chịu sự chi phối của các yếu tố liên quan đến kinh tế và đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, việc xác định đúng phân khúc khách hàng mục tiêu và thuộc tính của nó là một việc cực kỳ khó với các sản phẩm mới chưa từng hiện diện trên thị trường.


Chẳng hạn nước mía vỉa hè bán với mức giá 2000 đông/ly. Nhưng khi nước mía được đưa vào quy trình ép một lần với thông điệp “siêu sạch”, nó sẽ có giá 8000 đồng/ly. Rõ ràng, cách định giá cảu nước mía siêu sạch có tính đến sức chi trả của khách hàng và các yếu tố tác động đến khách hàng như ý thức về vệ sinh thực phẩm, xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Muôn hình vạn trạng

Xét về cơ sở định giá dựa vào đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ có những phân tích về sản phẩm, mục tiêu marketing ngắn hạn hay dài hạn của họ và đối thủ cạnh tranh.

Trên cơ sở đó, chiện giá mang tính đối trọng hình thành. Ví dụ như trường hợp đinhh giá nước tăng lực Number One thấp hơn Red Bull để phù hợp với nhóm khách hàng phổ thông.


Chiến lược giá còn có thể xuất phát từ yếu tố kinh tế. Lạm phát, xu hương tiêu dùng, chính sách quản lý.. Đều là nững cơ sở quan trọng để định giá sản phẩm.


Trường hợp điển hinhflaf khi việc đội mũ bảo hiểm dựa trên cơ sở tự nguyện, giá bán mũ bảo hiểm cao vì ít người mua và chỉ bán cho đối tượng có ý thức tự bảo vệ. Khi việc đội mũ trở thành bắt buộc, giá mũ bảo hiểm giảm vì quy mô thị trường lớn, mức độ cạnh tranh cao. Đó là lý do vì sao mũ bao rhieemr từ vài trăm ngàn đồng/một cái đã giảm xuống chưa đến một trăm nghìn một/một cái.


Hoặc một ví dụ khác là từ đầu năm 2008, chinh phủ đã ra chủ trương kích cầu tiêu dùng vơi ssuj ủng hộ của hàng loạt doanh nghiệp. Ngay lập tức, các mặt hàng thi nhau giảm giá khoảng 30-40% so với lúc trước, mạnh nhất là mặt hàng điện tử tiêu dùng.


Chiến lược giá còn biến động theo thời gian, theo vòng đời sản phẩm. Một sản phẩm mới hiện diện trên thị trường có tính đột phá thường được định giá cao. Bởi lẽ, nhà sản xuất nhắm vào đối tượng sẵn sàng mở hầu bao để được làm người tiên phong.


Khi sản phẩm bước qua giai đoạn bão hòa, giá cả có xu hướng giảm để có thêm khách hàng và đối đầu với các sản phẩm thay thế khác. iPhone của Apple cũng áp dụng chiến lược giá hớt váng cho đối tượng tiên phong khi ra mắt sản phẩm với mức giá 599 đô la Mỹ. iPhone nhanh chóng trở về mức giá 399 đô la Mỹ chỉ sau ba tháng.

Cùng thuộc công ty thời trang An Phước, dây truyền sản xuất và quy trình quả lý chất lượng giống nhau, nhưng giá một chiếc áo sơ-mi hiệu An Phước chỉ bằng một nửa so với hiệu Pierre Cardin. Tất cả chỉ vì sự khác biệt về giá trị thương hiệu.

Nguyên tắc định giá

Chiến lược giá là sự kết hợp của các phân tích trên và xoay quanh hai khía cạnh: Giá cả và giá trị. Giá cả đại diện cho chi phí tạo nên sản phẩm (góc độ người bán). Giá trị là sự chấp nhận từ người mua và rất khó đánh giá vì mức độ thỏa mãn tiêu dùng thay đổi theo thời gian và mang tính cá biệt.

Thách thức lớn nhất của chiến lược định giá là giá cả và giá trị phải gặp nhau và có tính bền vững. Có như thế, doanh nghiệp và người tiêu dùng mới có cơ hội tương tác lâu dài.


Để có thể xây dựng một chiến lược giá phù hợp, doanh nghiệp cần:



  • Chiến lược giá phải phù hợp với mục tiêu chiến lược của công ty. Đây là yêu cầu bất biến của việc định giá.
  • Phân tích khách hàng đối thủ cạnh tranh, tình hình kinh tế phải được thực hiện nghiêm túc và khách quan nhất.
  • Cập nhật biến động thị trường, sức cạnh tranh để có chiến lược giá phù hợp
  • Liên tục đo lường biến động doanh số, sức mua, mức độ chi trả, thỏa mãn của khách hàng sau mỗi đợt điều chính giá để có chiến lược phù hợp.
(Thanh Phương -
Theo Lantabrand/Thành Đạt)
Được xem như một ngành công nghiệp mới trong thời đại hội nhập, chăm sóc khách hàng là ngành dịch vụ hái ra tiền, được rất nhiều bạn trẻ theo đuổi. Khi những kỹ năng mềm luôn là lợi thế trong xã hội hiện đại, việc chăm sóc “thượng đế” luôn tiềm ẩn một hấp lực không cưỡng lại được.

Tuy nhiên, nghề nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng của nó. Nhu cầu tuyển dụng cho các dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng tăng, song cũng đòi hỏi các ứng viên những kỹ năng cao hơn trong việc linh hoạt giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong quan hệ với khách hàng.





Phản ứng của mỗi người trước bất cứ một sự việc nào xảy ra trong cuộc sống đều rất khác nhau. Phản ứng của khách hàng càng “muôn hình vạn trạng”. Đối phó với vô vàn những tình huống như thế, bằng cách giải quyết thông minh với nụ cười luôn nở trên môi không hề dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi các nhân viên không chỉ làm theo những phương thức “có sẵn” như những chỉ dẫn qua website, thường xuyên trả lời câu hỏi của khách hàng, những diễn đàn thảo luận, hỗ trợ qua mail, hỗ trợ qua điện thoại, hỗ trợ qua kiểm tra hàng…, mà còn là sự sáng tạo của riêng bản thân trong việc giữ gìn và phát triển nối quan hệ với khách hàng theo hướng tốt nhất có thể. Điều này làm cho nhân viên chăm sóc khách hàng có những điểm gần giống với một nghệ sỹ : sáng tạo, sáng tạo và …không ngừng sáng tạo.

Lấy lòng “thượng đế” là cách nói vui chỉ công việc của nhân viên chăm sóc khách hàng, tuy nhiên, rõ ràng khái niệm chăm sóc khách hàng bao gồm nhiều khía cạnh khác nữa. Hàng ngày, hàng giờ, những thông tin khách hàng đổ về rất nhiều. Nhân viên chăm sóc khách hàng luôn là người ngồi giữa mớ bòng bong những thông tin đó, xử lý chúng và xếp chúng thành hệ thống, rồi giải quyết từng cái một. Đó không chỉ là nghề của cái miệng, mà còn là nghề của sự kiên nhẫn, của con tim. Điều này có vẻ hơi lạ kỳ, nhưng thực chất khách hàng luôn cần được hiểu một cách thiết thực và sâu sắc nhất. Họ sẽ chẳng hài lòng nếu trò chuyện với một người chưa bao giờ biết đến khái niệm “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.


Vì thế mới nói, chăm sóc khách hàng vừa là một thứ “công nghệ mềm”, vừa là một loại hình nghệ thuật thú vị, đòi hỏi nhiều thử thách mà chỉ bản thân bạn trong trường hợp cụ thể mới biết xử lý thế nào. Qua đó, bạn sẽ biết bạn thích hợp, hay không thích hợp với vị trí là một nhân viên chăm sóc khách hàng, một người chuyên làm công việc “lấy lòng thượng đế”.

Theo bdttcholon
Nếu để một sản phẩm riêng lẻ thì chúng ta ít chú ý đến bao bì. Nhưng đặt sản phẩm đó trên một quầy hàng bán lẻ với hàng chục sản phẩm cùng loại thì chẳng khác nào một cuộc thi hoa hậu...

Mỗi sản phẩm phải chứng minh "nhan sắc" của mình qua bao bì. Bao bì là phần dễ nhìn thấy nhất của sản phẩm mang khả năng kích thích người mua.

Người mua hàng muốn gì ở bao bì? Trước hết là yếu tố thẩm mỹ, "bắt mắt". Trước nhiều sản phẩm có thương hiệu xa lạ, chưa dùng bao giờ, người mua hàng bị thu hút bởi bao bì có kiểu dáng đẹp, có hình ảnh, kiểu chữ trình bày gây ấn tượng. Thứ đến là thông tin trên bao bì. Ở mức tối thiểu, bao bì phải có những thông tin như tên nhãn hiệu, đơn vị sản xuất, thành phần, số lượng, cách sử dụng, thời gian bảo hành (đối với các sản phẩm có thời gian bảo hành)... Cuối cùng là sự tiện dụng: dễ mở, dễ sử dụng, dễ cất trữ và có thể tái sử dụng. Một gói kẹo cho trẻ con không có đường rãnh để xé ra, phải dùng kéo để cắt là quá bất tiện.

Người bán lẻ, nhìn bao bì sản phẩm dưới một khía cạnh khác: họ muốn hàng hóa đựng trong bao bì (thùng giấy, hộp kim loại...) phải dễ bốc xếp, bảo quản, hàng bên trong phải đúng số lượng ghi trong bao bì. Kiểu dáng bao bì phải tiện lợi cho việc trưng bày, có thể xếp chồng lên nhau trên kệ hàng. Và người bán cũng cần những thông tin trên bao bì để giải thích cho khách hàng khi khách hàng chỉ hỏi sơ qua mặt hàng nào đó mà chưa quyết định mua.

Đối với một doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc, bao bì sản phẩm không chỉ là yếu tố thẩm mỹ. Việc thiết kế bao bì nằm trong định hướng của chiến lược tiếp thị sản phẩm. Trong một thời gian theo định kỳ, nhà sản xuất phải đánh giá lại mẫu bao bì, đo lường tác dụng đối với người mua và thay đổi bao bì nếu thấy cần thiết. Thường quyết định thay đổi bao bì diễn ra trong những tình huống sau:
- Thay đổi bao bì trong một chiến dịch tiếp thị mới.

- Thay đổi vì bao bì hiện tại tỏ ra ít hấp dẫn so với sản phẩm cùng loại.

- Tạo một hình ảnh mới về thương hiệu.

- Phát huy giá trị sản phẩm đã được "nâng cấp" về chất lượng.

- Sử dụng được nguyên liệu để làm bao bì tốt hơn so với bao bì cũ.

Thực tế cho thấy có những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng và thành công, nhà sản xuất vẫn quyết định thay đổi bao bì, tạo hình ảnh mới về sản phẩm và làm người mua không nhàm chán.
(Theo TBKTSG)
Chúng ta đang sống trong một thế giới bùng nổ về công nghệ với vô số sản phẩm có nhiều tính năng.


Tính năng dường như đang là thứ được các nhà cung cấp vô tình hay cố ý “dội bom” vào tâm trí của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bản thân các tính năng của sản phẩm không có khả năng bán hàng. Các chuyên gia tiếp thị luôn nhắc đến một nguyên tắc kinh điển trong lĩnh vực tiếp thị và bán hàng, đó là khi ra quyết định mua hàng, người tiêu dùng sẽ cân nhắc các lợi ích mà họ có được, chứ không phải những tính năng của sản phẩm.

Kevin Clancy, một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tiếp thị, người vừa nhận được giải thưởng Tư duy sáng tạo lớn của Hiệp hội Nghiên cứu quảng cáo, là đồng tác giả của cuốn sách The Marketing Revolution: A Radical Manifesto for Dominating the Marketplace (tạm dịch là Cuộc cách mạng tiếp thị: Bản tuyên ngôn thống lĩnh thị trường), cho rằng doanh nghiệp có thể tập trung vào hai yếu tố là tính năng và lợi ích trong một thông điệp tiếp thị sản phẩm và có hai cách để thể hiện mỗi yếu tố này.

Nếu tính năng trả lời cho câu hỏi “Cái gì” thì lợi ích diễn tả điều mà sản phẩm hay dịch vụ đem đến cho người tiêu dùng, trả lời cho câu hỏi “Tại sao”.
Doanh nghiệp có thể tiếp thị một sản phẩm bằng cách nhấn mạnh nó là cái gì hoặc giải thích tại sao nó quan trọng đối với người tiêu dùng, nhưng cuối cùng, người tiêu dùng vẫn quan tâm đến lợi ích nhiều hơn tính năng. Kevin cho rằng doanh nghiệp có thể nói ra những khía cạnh hữu hình lẫn vô hình của cả tính năng lẫn lợi ích.

Những khía cạnh hữu hình chính là các thành tố trực tiếp hay các mô tả vật chất có thể xác định được một cách cụ thể. Trong khi đó, những yếu tố vô hình thì không thể đo lường được vì chúng ít cụ thể hơn.

Tác giả đã đi sâu vào phạm trù giá cả để minh họa cho những yếu tố hữu hình và vô hình nói trên trong lợi ích và tính năng của sản phẩm. Có thể nói đến giá như một tính năng hoặc như một lợi ích của một sản phẩm nào đó.

Mặt khác, giá có thể được truyền thông ở cả góc độ vô hình lẫn hữu hình. Điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp có ít nhất bốn cách để truyền thông yếu tố giá cả đến người tiêu dùng và việc nhấn mạnh vào khía cạnh lợi ích của giá sẽ có tác dụng lớn hơn. Khi nói đến giá như một tính năng hữu hình có thể gây tác động đến người tiêu dùng thì người ta thường vận dụng tính từ “rẻ”.

Ở khía cạnh lợi ích, giá rẻ có thể là một yếu tố giúp người tiêu dùng tiết kiệm được tiền bạc, như vậy họ sẽ thu được lợi ích hữu hình. Đến đây, có thể thấy rõ sự khác biệt giữa tính năng với lợi ích và sức thu hút mạnh mẽ hơn của lợi ích trong truyền thông tiếp thị so với tính năng.

Tuy nhiên, giá còn có thể được mô tả như một yếu tố vô hình mà người ta thường dùng cụm từ “đáng giá” để khẳng định, nhưng dường như “đáng giá” vẫn chưa quan trọng lắm đối với người tiêu dùng. Nếu các lợi ích do hàng hóa mang lại thể hiện được các giá trị thì yếu tố vô hình “đáng giá” khó làm toát lên được lợi ích thật sự và chưa tạo ra sức thu hút mạnh mẽ. Ở khía cạnh là một lợi ích vô hình, giá cả thường được đề cập đến như một “sự lựa chọn thông minh”. Dĩ nhiên, lợi ích này có thể không quá quan trọng đối với nhiều người tiêu dùng.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thị trường và phân khúc khách hàng mục tiêu để tạo ra những thông điệp tiếp thị phù hợp cho từng phân khúc khách hàng, thỏa mãn đúng những quan tâm và ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng về lợi ích trong từng phân khúc đó. Những ví dụ trên giúp doanh nghiệp hình dung rõ hơn về tầm quan trọng của lợi ích.

Vậy doanh nghiệp nên truyền đạt tới người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình có giá rẻ hay việc chọn lựa sản phẩm của mình là một quyết định thông minh? Ngay cả khi khách hàng chỉ muốn mua thứ rẻ nhất thì động cơ để họ ra quyết định mua hàng chắc chắn không chỉ là yếu tố giá, mà ở chỗ tiết kiệm được nhiều tiền bạc.

Nếu doanh nghiệp thật sự giúp khách hàng tiết kiệm được tiền bạc thì đồng thời có thể tránh được việc phải mô tả nhãn hiệu của mình như một nhãn hiệu giá rẻ trong truyền thông tiếp thị. Lợi ích chính là yếu tố giúp một nhãn hiệu tạo ra sự khác biệt so với các nhãn hiệu khác. Chẳng hạn, các loại xe hơi khác nhau thường có những tính năng khác nhau, nhưng những tính năng ấy chỉ thật sự trở nên quan trọng đối với người tiêu dùng nếu chúng đem đến cho họ những lợi ích đặc biệt.
Theo kienthuckinhte
Năm học thứ nhất tại trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, Tuấn an phận là cậu học trò "sáng mài đũng quần trên giảng đường, chiều chúi mũi vào sách ở thư viện". Năm thứ 2, qua báo chí, Internet, Tuấn biết đến và rất ngưỡng mộ mô hình chăn nuôi đà điểu ở các tỉnh Hà Tây, Khánh Hoà, Đà Nẵng… và thế là Tuấn "máu" luôn.
Trần Anh Tuấn là sinh viên đặc biệt của Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội. Đang là sinh viên năm cuối, thời điểm này là lúc các bạn cùng lớp đang "bò lê, bò càng" làm luận văn tốt nghiệp, vậy mà Tuấn ung dung "rong chơi".

Tôi hỏi tại sao, cậu bảo "em làm luận văn tốt nghiệp từ năm thứ 2". Sao lạ vậy nhỉ? Thấy tôi ngạc nhiên, Tuấn chỉ ra khu vườn có nhiều trái cây trước mặt, nơi có những mái tranh lúp xúp, phía dưới rải đầy cát trắng bảo: "Đấy là dự án nuôi đà điểu đầu tư hơn 1 tỷ đồng mà em báo cáo với các thầy từ năm học thứ 2. Dự án thành công, em không cần phải làm luận văn như các bạn mà được coi như đó là điểm tốt nghiệp rồi".

Nghe danh Tuấn đã lâu, vào một ngày giáp Tết, tôi không quản đường xa, trời lạnh đến trang trại nuôi đà điểu của cậu. Tôi cứ ngỡ sẽ khó gặp được ông chủ trang trại vì cậu đang bận đèn sách ở Hà Nội. Thế mà đón tiếp tôi trong trang trại rộng 15ha, tại thôn Sóc Sơn 3, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa lại là chàng sinh viên ham làm kinh tế.

Tuấn cho biết mình có "máu làm ăn" từ truyền thống gia đình. Thi đại học năm đầu không đỗ, cậu phải học "lớp 13" với quyết tâm thi vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Tuấn đỗ vào Khoa Quản trị kinh doanh trong sự ngỡ ngàng của một số người.

Năm học thứ nhất, Tuấn an phận là cậu học trò "sáng mài đũng quần trên giảng đường, chiều chúi mũi vào sách ở thư viện". Năm thứ 2, qua báo chí, Internet, Tuấn biết đến những mô hình chăn nuôi đà điểu ở các tỉnh Hà Tây, Khánh Hoà, Đà Nẵng…

Việc đưa và nuôi thành công loại chim khổng lồ có nguồn gốc từ châu Úc tại một số vùng trong nước ta khiến Tuấn rất ngưỡng mộ. Thịt đà điểu giá thành cao gấp 3 lần thịt bò; trứng 200.000đ/quả; da đà điểu dùng sản xuất đồ thời trang như giày, túi, ví… Xét cho cùng, con đà điểu thành phẩm chẳng phải vứt đi cái gì.

Thế là cậu lại lần mò lên Ba Vì (Hà Tây), vào Đà Nẵng… nơi có khí hậu bốn mùa rõ rệt như miền Bắc, đà điểu sống tốt. Nơi khí hậu nóng quanh năm như Đà Nẵng, Khánh Hoà đà điểu vẫn sống và sinh trưởng bình thường.

Tuấn đem ý tưởng mở trang trại nuôi đà điểu nói với bố. Hai bố con lại đi tham quan, học tập mô hình này ở một số nơi. Cuối cùng, họ quyết định mở trang trại ở khu đất đồi gò rộng 15ha của người cậu tại xã Vĩnh Hùng.

Người cậu khi biết quyết định này rất vui, vùng đồi chỉ trồng cây vải thiều, mỗi năm cho thu nhập không đáng kể có cơ hội được thay da đổi thịt. Xây tường bao, đổ cát, lợp mái gianh… là những phần việc đầu tiên trước khi đón 10 con đà điểu đầu tiên về.

Vừa nuôi, vừa học, người cậu nhanh chóng học tập được kỹ thuật nuôi đà điểu do Tuấn truyền lại. Còn Tuấn cũng được cậu dạy cho kỹ thuật do ông rút ra qua việc trực tiếp chăm sóc, nuôi nấng lũ chim đến từ sa mạc.

Từ 10 con, đến nay trang trại của Tuấn có gần 100 con lớn nhỏ. Nó là một phần thành quả lao động cùng số vốn hơn 1 tỷ đồng mà gia đình Tuấn đã đầu tư vào.

"50 con đà điểu giống này ra Tết em xuất ra Quảng Ninh. Giá mỗi con khoảng 6 triệu đồng", vừa chỉ đàn đà điểu giống, Tuấn vừa nói với tôi. Cậu còn cho biết, vị khách nọ đặt mua của cậu 300 con nhưng rất tiếc mới chỉ cung cấp được một phần nhỏ.

Hiện nay, việc cho đà điểu đẻ, ấp vẫn đang được thực hiện tại trang trại của Tuấn. Cậu hy vọng cùng với thời gian, số lượng đà điểu sẽ tăng lên nhiều. Nói về sự cầu kỳ trong việc chọn giống, cho đà điểu đẻ và ấp trứng, Tuấn bảo: "Em đố chị người công nhân đứng trong chuồng đà điểu kia đang làm gì?". Tôi nhìn theo tay Tuấn chỉ và lắc đầu. "Anh công nhân đang đợi đỡ trứng đà điểu đẻ", Tuấn nói. Tôi lại được một phen ngạc nhiên vì không ngờ lại cầu kỳ và thận trọng đến vậy.

"Trời mưa lâm thâm thế này đất ướt, tổ cũng bị ướt, nếu để trứng dính nước tỷ lệ ấp nở thành công sẽ thấp", Tuấn giải thích khi thấy sự ngạc nhiên của tôi.

Tuấn dẫn tôi vào thăm khu đặt lồng ấp. Tuy nhiệt độ bên ngoài dưới 100C nhưng nhiệt độ lồng ấp vẫn 400C. Tỷ lệ ấp thành công khoảng 60-70%. Do nhu cầu cung cấp giống lớn, việc ấp nở và nuôi con giống thành công vô cùng cần thiết bởi đây là cơ hội làm ăn rất thuận lợi.

Dự định sắp tới của Tuấn ngoài việc nuôi đà điểu thành phẩm cung cấp thịt cho thị trường, đà điểu giống cũng là một mặt hàng hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận.

Tuấn cho tôi xem chiếc ví làm từ da đà điểu. Tôi thật sự ngạc nhiên khi cầm trên tay sản phẩm da thuộc này bởi màu sắc, đường vân khá đẹp. "Giá trị của nó tương đương với sản phẩm cùng loại làm bằng da cá sấu", Tuấn cho biết.

Cậu còn cho biết thêm một số sản phẩm làm từ da đà điểu như giày, ví hiện đang được bày bán ở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn ở Hà Nội với giá thành khá cao.

Tôi hỏi về dự định của Tuấn sau khi tốt nghiệp, cậu bảo có hai khả năng. Đi làm thuê hoặc về nhà làm ông chủ trang trại. Đi làm thuê để học hỏi kinh nghiệm rồi về phát triển công ty gia đình cũng tốt.

Dù lựa chọn cách nào, cậu vẫn quyết tâm mở rộng quy mô trang trại. Cậu có tâm nguyện, mô hình trang trại nuôi đà điểu như thế này sẽ được mở rộng ngay ở quê hương mình. Việc làm này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tại vùng đất đồi gò vốn không cho năng xuất cao từ sản xuất nông nghiệp.

Chia tay Tuấn, chúng tôi hẹn gặp lại nhau ở Hà Nội. Học đi đôi với hành như cách của Tuấn là một phương pháp hay, hy vọng các trường đại học sẽ khuyến khích sinh viên làm theo mô hình này.

Theo tin247
Nếu bạn đang có mong muốn trở thành một doanh nhân nhưng lại chưa sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại của bạn hoặc tiêu sạch quỹ lương, bạn nên tìm một cách kinh doanh khác, có rủi ro và chi phí thấp để khởi nghiệp

Một năm trước đây, Dustin Culton và Jennifer, vợ anh đến từ thành phố Omaha, thuộc bang Nebraska đã làm như vậy khi họ mở công ty Omaha Modern, một công ty kinh doanh bán thời gian với chi phí đầu tư vỏn vẹn 30.000 đô la trong năm đầu tiên.

Ý tưởng kinh doanh của nhà Cultons xuất hiện sau chuyến đi kéo dài 13 tiếng bằng ô tô tới cửa hàng gần nhất của hãng Ikea, tại Minneapolis để mua đồ gỗ, miếng lót đĩa ăn, dao dĩa thìa và các vật dụng không tên khác cho các khách hàng ở Omaha và nhà bán lẻ lớn từ Thụy Điển.


“Ở Nebraska chưa từng có cửa hàng nào như thế cả”, Dennis Culton cho hay, cũng do dân cư ở đây quá thưa thớt, không đủ hấp dẫn các nhà bán lẻ. “Tuy nhiên các sản phẩm của Ikea rất tinh tế và có sức mua lớn kể cả ở những thị trường khan hiếm sản phẩm này”.

Khách hàng dặt hàng trực tiếp từ trang web của Ikea sẽ không có nhiều lựa chọn như những người đến mua trực tiếp tại cửa hàng, và chi phí vận chuyển có khi lại cao hơn cả giá sản phẩm, Culton nhận định, do vậy khách hàng của anh có thể mua nhiều hơn và có thể tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển.

“Về cơ bản chúng tôi lấy toàn bộ thông tin trên website và catalog của Ikea để giới thiệu với các khách hàng của mình”, anh tiết lộ.

Hai vợ chồng nhà Cultons vẫn duy trì công việc của mình trong ngành bảo hiểm.

Công việc kinh doanh đồ Ikea đòi hỏi nhà Cultons phải dành 6-10 tiếng ở cửa hàng, 6-10 lượt ra vào quầy tính tiền để mua từ 150-200 mặt hàng, và lấp đầy toa chở hàng gắn với một chiếc xe Cadillac Escalade. Chi phí cho mỗi chuyến chở hàng như vậy là từ 6.000 -11.000 đô la và đáp ứng được nhu cầu mua hàng của từ 15-25 khách hàng.


Culton ước tính công việc kinh doanh hàng Ikea của anh thu về khoảng 100.000 đô la trong năm đầu tiên.

“Năm ngoái tổng cộng chúng tôi đã có hơn 300 đơn đặt hàng, đây là một con số tương đối đối với chúng tôi”, anh cho biết.

Với mức phí vận chuyển từ 30-35%, Culton ước tính doanh nghiệp sẽ thu về từ 27.000- 30.000 đô la sau khi trừ các chi phí. Anh ước tính chi phí cho mỗi lần vận chuyển hàng là 400 đô la, không tính 400 đô la tiền phương tiện đi lại. Chiếc xe móc trị giá 2.000 đô la được Culton mua trước khi khởi nghiệp.

“Về cơ bản Ikea tuyên bố họ thích cách làm của chúng tôi nhưng họ không cho phép chúng tôi sử dụng logo của họ”, Culton chia sẻ.

Người phát ngôn của Ikea, bà Mona Liss chia sẻ với Entrepreneur.com: “Mặc dù phần lớn việc bán hàng của Ikea được thực hiện tại cửa hàng, nhưng chúng tôi cũng ghi nhận và đánh giá được là có những khách hàng ở xa cửa hàng của Ikea cũng muốn mua hàng của chúng tôi”. Bà cũng nói thêm Ikea đang “nỗ lực đáp ứng nhu cầu của những khách hàng này bằng cách mở rộng phạm vi thương mại điện tử của chúng tôi, giảm giá vận chuyển qua mạng và mở thêm các cửa hàng tại các thị trường mới”.

Nhà Cultons không phải là người duy nhất mở doanh nghiệp tư nhân chuyên vận chuyển và lắp đặt đồ nội thất Ikea, nhưng khong ai cũng có thể kiếm ăn lâu dài với kiểu kinh doanh này.

Theo Culton thì “Tôi là một trong những người có rất nhiều ý tưởng về sản phẩm, ngành kinh doanh… và luôn mong có thể thành công với một trong số đó. Tôi không cần phải giàu, chỉ cần có thể đủ sống với công việc mình yêu thích là ổn rồi”.

Nguồn :
sharingtobeshared

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Mỗi chủ doanh nghiệp nhỏ đều muốn thành công. Nhưng rất nhiều người dốc toàn bộ tâm trí, tài sản và sức lực vào những dự án làm ăn mạo hiểm để rồi nhìn nó thất bại.
Bởi vì, họ đã bỏ qua 10 nguyên tắc khởi nghiệp cơ bản mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần có để “lèo lái” công ty đến thành công.
Nguyên tắc là một chân lý hoặc đề xuất cơ bản phục vụ như là nền tảng cho một hệ thống niềm tin hoặc hành vi hoặc cho một chuỗi lý luận nào đó. Các nguyên tắc của một doanh nghiệp là con đường dẫn họ đến thành công. Nó là xương sống cho một tổ chức, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của công ty.
Có 10 nguyên tắc là nền tảng của các doanh nghiệp nhỏ thành công nhất trên thế giới.
1. Khả năng mở rộng: Một doanh nghiệp muốn thành công bắt buộc phải có khả năng mở rộng. Một doanh nghiệp nhỏ được xây dựng một cách đúng đắn có thể phát triển gấp 10.000 lần quy mô hiện tại.
2. Phải có những ý tưởng lớn: Doanh nghiệp nhỏ hay lớn không quan trọng bằng ý tưởng kinh doanh. Ý tưởng của một doanh nhân quyết định sự sống còn của doanh nghiệp hơn bất cứ điều gì khác.
3. Hệ thống hoàn chỉnh: Trong một doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có một hệ thống vận hành để quyết định sự thành công hay thất bại của toàn bộ công ty. Trong hệ thống này, mọi thứ phải làm việc “ăn khớp” với nhau: từ nhân viên cho đến giám đốc, từ các thiết bị tới các nguồn lực.
4. Tính bền vững: Một doanh nghiệp phải năng động để có thể trụ lại được trước “sóng gió thương trường” như điều kiện kinh tế xấu, sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ... Phải xây dựng được điều khác biệt cho tất cả các khách hàng. Chính điều khác biệt là chìa khóa để tồn tại.
5. Tăng trưởng: Tất cả các doanh nghiệp cần tăng trưởng nội bộ. Một doanh nghiệp nhỏ là một trường học trong đó nhân viên là sinh viên với mục đích, ý chí và quyết tâm cao nhất để phát triển.
6. Tầm nhìn: Doanh nghiệp nhỏ nhưng phải có tầm nhìn lớn. Nó sẽ là “hạt đậu thần kì” để nảy mầm thành những sứ mệnh để thực hiện. 

7. Mục đích: Là cái mà doanh nghiệp hướng đến. Nó sẽ định hướng cho công ty không chệch khỏi sự phát triển của tầm nhìn đã được hoạch định trước. Một doanh nghiệp nhỏ là kết quả của một mục tiêu cao hơn trong đầu của người hình thành nó.
8. Tự chủ: Một công ty không phải là một phần cuộc sống của người sở hữu, mà nó là một thực thể riêng. Một doanh nghiệp nhỏ sở hữu một “cuộc sống” riêng của mình, trong việc phục vụ mục đích chung của nhiều người. Đừng đánh đồng những mục đích riêng rẽ với nhau để rồi mất đi tự chủ.
9. Khả năng sinh lời: Doanh nghiệp nhỏ phải là một thực thể kinh tế tạo ra được lợi nhuận. Như thế, nó tạo điều kiện chắc chắn cho các bộ phận trong nó tồn tại và phát triển vững mạnh hơn.
10. Tiêu chuẩn: Các doanh nghiệp nhỏ cần tạo ra những tiêu chuẩn để dựa vào đó đo lường mức độ thành công của công ty. Tất cả các doanh nghiệp nhỏ phải thường xuyên tạo ra những tiêu chuẩn mới, cao hơn, để đưa công ty dần dần phát triển.
Nhu cầu của doanh nghiệp rất đa dạng và phức tạp nhưng đây có thể được xem là “mẫu số chung” để tạo tiền đề cho sự hình thành, phát triển và mở rộng của mọi công ty thành công.
1. Bán Hoa
Tết nhà nhà đều cần đến Hoa, vậy thì ý tưởng kinh doanh Hoa rất khả thi. Vốn bạn bỏ ra cũng không nhiều lắm, tuy nhiên bạn cần biết chỗ cung cấp hoa tươi giá mềm. bạn có thể đến các chợ đầu mối để tìm ví dụ như: Chợ đầu mối Quảng An (Q.Tây Hồ, Hà Nội); Chợ ở 39 Nguyễn Văn Phú (Q.11) hay còn gọi là chợ hoa Đầm Sen; chợ ở đường Hậu Giang (Q.6)…
2. Chăn ga, gối đệm
Tết đến hầu hết mọi nhà đều có nhu cầu sắm chăn ga, gối đệm mới với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mọi người. Bạn có thể đến các chợ đầu mối để tìm kiếm nguồn hàng như: Chợ Đồng Xuân; Chợ đầu mối Thủ Đức – TPHCM; chợ đầu mối Bình Điền (Q.8)…
3. Buôn bưởi, Chuối, Cam…
Ngày tết, nhà nhà đều cần phải có mâm ngũ quả trên bàn thờ theo quan niệm dân gian của người Việt. Vậy nên ý tưởng buôn bưởi, chuối, cam… để bán cũng là một ý tưởng kinh doanh hay. Đặc biệt nếu bạn tìm được đầu mối bán bưởi hình hồ lô thì càng hay. Bạn có thể tìm mua bưởi, cam, chuối ở các vung như: Đoan Hùng; Diễn; Canh; Hải Dương; Hải Hưng…
4. Buôn dưa hấu
Theo quan niệm của người Việt trong ngày tết nguôn đán nếu có quả dưa hấu với sắc đỏ sẽ đem lại may mắn, tiền tài cho gia chủ. Vì vậy, nếu bạn kinh doanh mặt hàng này thì đây là lúc bạn cần tìm các mối hàng ở Ninh Bình. Bạn có thể liên lạc với nhà buôn có thông tin sau: Giá bán 6k5/1kg dưa... Dưa hấu ở mức trung bình là 3kg/1 quả và quả lớn nhất nên tới 20kg..... Tùy giá cả giao dịch. Mà nhà buôn nhận đổ mối....8 tấn/1 chuyến. Các Bạn cần trả trước 60% tiền hàng (hoặc có thể thương lượng). 
5. Bán cây cảnh:
Cây cảnh cũng là một trong những thú vui mà mọi người dân đều mong muốn có trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Ý tưởng kinh doanh các cây cảnh như mai, đào, quất… cũng rất khả quan. Tuy nhiên bạn cần phải có nhiều vốn và cần phải mạo hiểm vì vốn nhiều đi kèm rủi ro cao. Tuy nhiên nếu buôn bán được thì lợi nhuận bạn thu về cũng tương đối ngon nghẻ. Bạn có thể tìm đến các chợ đầu mối, các vườn cây cảnh, các chủ vựa… để tìm cho mình mối hàng tốt, giá rẻ. Ví dụ như: Khu vực Trôi, nhổn, Phùng, Đông Anh…là những đầu mối tốt cho nguồn hàng này.
6. Đào rừng
Xu hướng chơi đào rừng trong ngày tết cổ truyền đang là xu hướng của người dân trong những năm gần đây. Giá của mỗi cành đào rừng cũng tương đối mắc trong khi giá bạn lấy từ nguồn thì rẻ, về cơ bản bạn sẽ thu được lợi nhuận rất nhiều. Nếu muốn kinh doanh mặt hàng này, bạn cần lên Lạng Sơn, Sơn La…để tìm nguồn hàng ngay từ lúc này.
7. Dịch vụ dọn dẹp – trang hoàng nhà cửa
Dịp tết về nhà nhà đều muốn dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón một cái tết vui vẻ và đầm ấm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, mọi người đều muốn dành thời gian để kiếm thêm tiền. Là người kinh doanh ai cũng sẽ nghĩ, thà bỏ ít tiền để người khác làm việc vặt cho mình, thời gian đó mình làm việc khác để ra nhiều xiền hơn. Vậy thì dịch vụ dọn dẹp – trang hoàng nhà cửa sẽ rất ăn khách đặc biệt đối tượng mà dịch vụ này hướng tới là các nhà giầu, đại gia. Ai có mong muốn kiếm nhiều tiền với dịch vụ này thì hãy chuẩn bị sẵn kế hoạch và công cụ ngay từ bây giờ nhé.
8. Dịch vụ cung cấp bánh trưng – giò lụa
Ở Thành phố, trong các dịp tết, hầu hết mọi nhà đều bỏ tục nấu bánh trưng, giò vì diện tích nhà cửa chật hẹp. Tuy nhiên, theo truyền thống mỗi nhà đều phải có ít nhất vài cặp bánh trưng, giò lụa… Vậy thì ý tưởng gói bánh trưng, giò lụa để cung cấp cho khách hàng cũng là một ý tưởng không tồi. Tuy nhiên, bạn cần phải có vốn, và đặc biệt phải làm ra những sản phẩm có chất lượng và mẫu mã đẹp.
9. Đĩa ca nhạc – Hài – Phim đặc sắc
Trong ngày tết, ai cũng muốn có một không khí vui tươi, hạnh phúc. Ý tưởng kinh doanh băng đĩa nhạc là một ý tưởng rất tốt đòi hỏi vốn không nhiều. Hãy chuẩn bị và bắt đầu ngay từ bây giờ. Giá một đĩa ca nhạc, phim hài … trong ngày tết có thể lên đến mấy trăn nghìn một bộ -> Lợi nhuận tương đối cao.

Nguồn : siesystem