Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

(Dunghangviet.vn) - 5 chàng thanh niên ở tứ phương, mỗi người học mỗi ngành khác nhau nhưng đã tập hợp về Đà Lạt thuê đất khởi nghiệp bằng trồng rau hữu cơ (rau sinh thái) và bước đầu mang lại hiệu quả…

Vườn rau sạch nhưng đầy cỏ

Đưa chúng tôi vào khu vườn trồng rau ở một khu đồi thuộc phường 11, TP.Đà Lạt này là Nguyễn Thanh Phong (25 tuổi, ngụ Đà Lạt) vừa tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học. Phong cho biết, 5 anh em, gồm: Nguyễn Thanh Liêm (30 tuổi, quê Đắk Lắk), Hồ Văn Sang (36 tuổi, quê Tiền Giang), Nguyễn Hồng Thủy (24 tuổi, quê Quảng Ngãi), Nguyễn Thông Bảo Hòa (21 tuổi, quê Khánh Hòa) và Phong vào đây thuê 0,5ha đất để trồng rau từ tháng 11 năm ngoái.
trồng rau hữu cơ (rau sinh thái) Sang (đội mũ) và Phong trong vườn lơ xanh sắp thu hoạch của nhóm - Ảnh: G.B

Đến khu vườn, chúng tôi khá bất ngờ bởi ở ngay những luống rau của họ cỏ dại mọc khá nhiều - điều này không thấy ở những vườn rau bình thường khác. Hồ Văn Sang liền giải thích: “Tụi em làm nông nghiệp sinh thái, hoàn toàn không sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu nên chú ý đến yếu tố cân bằng của tự nhiên và không ảnh hưởng đến môi trường, bằng cách giữ lại cỏ có kiểm soát để giúp cây rau phát triển. Cỏ che phủ đất, rễ cỏ có khả năng giữ ẩm cho đất rất tốt, việc giữ lại cỏ là một hình thức xen canh các loại cây trồng nhằm hạn chế dịch hại do nấm bệnh gây nên. Mình để lại cỏ làm thức ăn cho sâu bọ và chúng không phá cây rau của mình. Các khu vườn khác do làm sạch cỏ, sâu bọ không có gì ăn nên chúng mới tập trung tấn công cây rau, chứ thật ra cỏ là thức ăn ưa thích của sâu bọ. Tụi em gọi cách làm này là “nông nghiệp lười” đấy”. Chỉ tay vào luống lơ xanh, Phong nói tiếp: “Ở giữa 2 hàng lơ này là cây cải thảo để làm “cây hy sinh”, vì bọ nhảy rất khó trị nên cấy cây cải vào làm thức ăn cho chúng để chúng khỏi phá cây chính của mình”.

Hướng đi đúng

Nguyễn Thanh Liêm cho biết, việc lựa chọn nông nghiệp hữu cơ để phát triển kinh tế của mỗi anh em có thể khác nhau, nhưng chung quy đều cùng có niềm yêu thích thiên nhiên, muốn tạo ra những sản phẩm thật sự tốt cho sức khỏe mọi người mà không phá vỡ sự cân bằng vốn có của tự nhiên. Cũng theo Liêm, làm “nông nghiệp lười” thì thời gian thu hồi vốn chậm do tốn thời gian cải tạo đất lâu, chi phí ban đầu khá cao, sản phẩm chưa được đẹp nhưng làm theo hướng này sẽ tạo ra những sản phẩm thật sự tự nhiên, không có hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người giúp cho sản phẩm ngon hơn, bảo quản trong điều kiện tự nhiên được tốt hơn. Sản xuất theo hướng này giúp giảm được những tác hại do cách thức canh tác gây nên và theo thời gian đất đai được phục hồi; đồng thời tận dụng được  những nguyên vật liệu địa phương để đưa vào sản xuất (rơm, rạ, cây cỏ...) và người trực tiếp tham gia sản xuất không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hiện mấy anh em này đã tìm được đầu mối tiêu thụ rau ổn định ở TP.HCM, trong đó có một người làm trong công ty của Nhật Bản. “Cơ bản anh em tự sản xuất và sản xuất theo đơn đặt hàng, trung bình mỗi tuần cung cấp từ 400 – 500kg rau các loại với giá trung bình từ 35.000 – 40.000đ/kg. Hiện doanh thu mới đủ trang trải chi phí sản suất, dự kiến trong thời gian tới doanh thu hàng năm của vườn sẽ đạt hàng trăm triệu đồng. Việc mở rộng diện tích sản xuất và tạo một khu vườn đúng nghĩa nông trại hữu cơ là mong ước của anh em, nhưng vì khả năng và điều kiện kinh tế hiện tại chưa cho phép nên sẽ làm trong tương lai, và đây là hướng đi đúng, tụi em sẽ quyết tâm thực hiện được”, Nguyễn Thanh Liêm cho hay.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét