Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

[www.thinhvuongtaichinh.com] Thói quen là một phản xạ thường thấy ở con người. Tuy nhiên, nó thường được nhìn nhận dưới góc độ trái ngược sau khi đã loại bỏ các yếu tố tích cực. Nhiều quá trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người là loài sinh vật chỉ “sống theo thói quen” và ngày qua ngày chúng ta càng củng cố vun đắp cho các thói quen khiến chúng trở thành phản xạ không điều kiện rất khó thay đổi.

Tuy nhiên, lời nhận định trên chỉ đúng khi chúng ta nhìn nhận ở góc độ con người là những nô lệ của thói quen và luôn bị thói quen chi phối. Ở một góc độ khác vẫn còn khá nhiều vấn đề cần xem xét xoay quanh khái niệm thói quen, và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.

Nếu như thói quen có khả năng ức chế và chi phối hoạt động tư duy của con người trong nhiều trường hợp thì một câu hỏi được đặt ra là: liệu phản ứng này có được kiểm soát và điều chỉnh để phục vụ con người giống như những hiện tượng tự nhiên hay không? Nếu việc này là có khả thi con người có thể làm chủ các thói quen cũng như ứng dụng những tác động tích cực của thói quen để làm lợi cho mình, thay vì phải bị động lệ thuộc vào thói quen và học cách chấp nhận. Những nhà tâm lý học hiện đại đã khẳng định với chúng tôi rằng: thói quen hoàn toàn có thể được kiểm soát và điều chỉnh theo ý muốn của con người. Như vậy, con người có quyền phủ nhận sự thống trị tuyệt đối của thói quen lên hành động cũng như tính cách. Hàng nghìn người đã ứng dụng quan điểm mới này vào cuộc sống, để cảm nhận được rằng có nhiều trải nghiệm mới mẻ giúp khôi phục những giá trị vật chất và tinh thần mà con người đã gây dựng nên.

Thói quen là một dải đất tinh thần mà trên đó, mỗi hành động của chúng ta sẽ góp phần tạo nên một lối đi ngày càng trở nên rộng rãi và thân quen như con đường mình đi qua mỗi ngày. Nếu bạn phải làm việc trên một thửa ruộng hay trong một khu rừng, tôi chắc chắn bạn sẽ lựa chọn con đường mòn thông thoáng và dễ đi nhất hơn là chấp nhận băng ngang thửa ruộng hay hoặc khu rừng và tự mình tạo ra một lối đi mới. Phản ứng của bộ não con người cũng diễn ra như vậy – nó có xu hướng nghiêng về những phản ứng không đòi hỏi sự kháng cự và tuân theo những hoạt động đã sớm được định hình.




Thói quen được tạo nên từ những hành động được lặp đi lặp lại, hình thành theo quy luật tự nhiên, thể hiện ở tất cả các sinh vật sống và cả những vật vô tri vô giác. Xin lấy ví dụ về điều thứ hai như sau; tờ giấy một khi đã có nếp gấp thì khi mở nó ra, những lần sau thường vẫn theo nếp gấp cũ ấy. những người sử dụng máy may cũng như các máy móc, thiết bị khác đều biết rằng thiết bị được lập trình và khởi động, chúng sẽ tự động thực hiện lại những quy trình như cũ vào những lần tiếp theo. Quy luật này cũng diễn ra tương tự với các loại nhạc khí. Quần áo hay găng tay sau khi sử dụng một thời gian sẽ hiện lên những nếp gấp trùng khớp với hình dạng cơ thể của người dùng, và những nếp gấp này sẽ càng ngày càng hiện rõ hơn nếu được sử dụng nhiều. Tuy phải băng qua núi đồi, các vùng miền khác nhau nhưng bao giờ sông suối cũng sẽ tuôn chảy theo một lộ trình nhất định. Chỉ cần để ý một chút, chúng ta sẽ để ý thấy quy luật này đang diễn ra khắp nơi, ở tất cả sự vật hiện tượng xung quanh mình.

Những mô tả trên giúp chúng ta hiểu biết thêm về bản chất của thói quen, để định hình những dải đất tinh thần mới, những nếp gấp mới. Và hãy luôn nhớ rằng; cách tốt nhất (một số người cho là duy nhất) để loại bỏ thói quen cũ là hãy tạo ra một thói quen mới để chế ngự và thay thế cho những thói quen không mong muốn. Tạo ra dải đất tinh thần mới sẽ khiến dải đất cũ không còn ở thế độc tôn nữa và đến một lúc nào đó nó sẽ tự động biến mất. Những thói quen mới được hình thành, ngày qua ngày được rèn luyện sẽ trở thành một phản xạ tự nhiên. Việc tạo lập và định hình những thói quen tốt rất quan trọng, nên tôi không có ý định hối thúc bạn phải bắt đầu ngay. Hãy đều đặn rèn luyện và rèn luyện như thể một người làm đường kiên nhẫn và tận tụy.

Các nguyên tắc sau sẽ giúp bạn định hình cho mình những thói quen mới tốt hơn:

1. Bước đầu tiên của quá trình hình thành một thói quen mới là bạn hãy xác định thật rõ tính cách, từng suy nghĩ và hành động của mình. Hãy nhớ rằng bạn đang thực hiện những bước đầu tiên để tạo nên một dải đất tinh thần mới, vạn sự khởi đầu nan, những bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn. Chính vì vậy điều quan trọng là bạn phải xác định thật rõ hướng đi của mình để không phải bỡ ngỡ cho những lần thực hiện tiếp theo.

2. Tập trung ý chí cao độ vào thói quen mới mà bạn đang tạo lập, cố gắng loại bỏ ngay những ý nghĩ khiến bạn gợi nhớ tới thói quen cũ. Lúc này, tâm trí bạn chỉ nhằm để phục vụ cho việc rèn thói quen mới mà thôi.

3. Hãy liên tục và rèn luyện thói quen mới bất cứ khi nào có thể. Hãy chủ động tạo cơ hội để bạn có dịp rèn luyện. Thói quen mới sẽ dần trở thành phản xạ bình thường nếu bạn kiên trì. Trong giai đoạn này hãy chủ động lên kế hoạch để điều phối thói quen mới và vận dụng nó vào cuộc sống của mình.

4. Lưu ý: Hãy kiên trì chống lại cảm giác muốn lặp lại những thói quen cũ – phản xạ quá quen thuộc mà bạn đã định hình từ lâu. Cứ mỗi lần vượt qua được cám dỗ đó bạn sẽ càng trở nên mạnh mẽ và kiên định hơn. Đến lần tiếp theo, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và dễ dàng hơn khi phải đối mặt với sự cám dỗ một lần nữa. Ngược lại, mỗi lần bạn chào thua trước sự cám dỗ chính là một dịp để những phản xạ cũ làm chủ ý thức, khiến bạn trở nên yếu đuối, vô dụng. Ngay từ đầu, bạn phải thực sự kiên định. Hãy chứng tỏ sự quyết đoán và kiên trì của mình, hãy tỏ rõ khả năng làm chủ của bạn – ngay bây giờ.

5. Hãy chắc chắn rằng bạn đang tạo lập một thói quen mới phù hợp và chuẩn bị đón nhận những thay đổi tích cực mà nó mang lại. Và khi đó hãy tự tin để bản thân mình trải nghiệm những cảm xúc mới, đừng để bị chi phối bởi chút lưỡng lự hay nghi ngờ nào đó. Hãy vững tin sải bước trên con đường mình đã chọn, những điều đã trở thành quá khứ không thể ảnh hưởng tới bạn – hãy tin như thế. Chọn cho mình một mục tiêu, sau đó chủ động hoặc định ra một định hướng đúng đắn, nhất định bạn sẽ nhanh chóng đạt được trọn vẹn mục tiêu của mình
Napoleon Hill – trích trong Những nguyên tắc vàng của Napoleon Hill

0 nhận xét :

Đăng nhận xét