Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Với việc tập đoàn FPT mới đây đã bỏ tiền ra mua lại trang web 123mua.vn của VNG còn VCCorp đưa ra tuyên bố tích hợp các trang kinh doanh trực tuyến của mình dưới thương hiệu Zamba e-Commerce, thị trườngthương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang có sự chuyển động mạnh.

Đổ tiền “phủ thị trường”

Vừa qua, đã có khá nhiều dự án TMĐT do đầu tư nóng vội, chủ yếu dùng sức mạnh tài chính để phủ thị trường nên sớm thất bại. Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị tích cực bỏ tiền mua lại các dự án TMĐT non trẻ hoặc đổ tiền quảng bá thương hiệu nhằm tăng “độ phủ” thị trường.

Công ty VNG khi bắt đầu triển khai TMĐT cũng tổ chức hoành tráng, thực hiện hai trang web riêng biệt với 123.vn dành cho hình thức giao dịch B2C (Business to Consumer: doanh nghiệp-đến-người tiêu dùng); còn 123mua.vn dành cho C2C (Consumer to Consumer: người tiêu dùng tự giao dịch với nhau). Có thời điểm, VNG phải dồn 2 trang web này lại (123mua.vn) nhằm thu gọn nhân sự và tăng cường sức mạnh. Sau đó, VNG “lặng lẽ” ngừng đầu tư vào TMĐT từ cuối năm 2013.
kinh doanh thương mại điện tử
Thật bất ngờ là tập đoàn FPT hay đúng hơn là Công ty Sen Đỏ, công ty thành viên của FPT (quản lý sàn TMĐT sendo.vn) đã bỏ tiền mua lại 123mua.vn. Giá trị của thương vụ không được FPT lẫn VNG công bố chính thức, trong khi tin hành lang lại cho hay FPT mua 123mua.vn khoảng nửa triệu đô la Mỹ.

Trả lời câu hỏi “vì sao mua 123mua.vn?”, ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Công ty Sen Đỏ, chỉ cho biết thương vụ này là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của công ty trong năm 2014 và tương lai.

Việc mua lại trang web này sẽ giúp sendo.vn đẩy nhanh tiến độ trở thành sàn TMĐT dẫn đầu tại Việt Nam.
Hiện tại, sendo.vn đang tập trung cung cấp các dịch vụ trọn gói và đảm bảo từ mua bán đến giao hàng trên phạm vi toàn quốc. Công ty sẽ tận dụng ưu thế của 123mua.vn là sản phẩm TMĐT có thương hiệu lâu năm với số lượng khách hàng đông đảo.

Zamba- bước tiến của VCCorp

Ngay sau khi FPT tăng tốc bằng cách mua lại 123mua.vn, Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp) cũng tuyên bố sẽ đầu tư lớn vào TMĐT với việc ra mắt Zamba-bộ phận tích hợp tất cả các trang kinh doanh trực tuyến của VCCorp. Kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào TMĐT của VCCorp sẽ được thực hiện trong sáu tháng cuối năm 2014 cho đến năm 2015.

Cụ thể, các trang web đang kinh doanh trực tuyến bấy lâu nay của VCCorp như muachung.vn, rongbay.com, enbac.com, muare.vn, eat.vn, chonmon.vn... sẽ được gộp lại vào mảng kinh doanh TMĐT có thương hiệu Zamba-Ecommerce Group.

Rút tỉa kinh nghiệm từ nhiều dự án thương mại điện tử trước đó, Công ty VCCorp cho rằng, ở Việt Nam nếu đã làm thương mại điện tử thì cứ “chậm mà chắc”.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc khối TMĐT của VCCorp, cho biết VCCorp đang có mức tăng trưởng tốt và Zamba sẽ là bước tiến dựa trên nền tảng TMĐT có sẵn. VCCorp đang có lợi thế là sở hữu một hệ “sinh thái” trang web đa dạng hướng đến nhiều loại nhu cầu tiêu dùng như mua hàng theo nhóm, rao vặt trực tuyến, mua bán của cộng đồng mạng hoạt động trên diễn đàn...

Ông Nguyễn Tuấn cũng cho biết thêm, thị trường TMĐT ở Việt Nam vẫn còn bé nên khi triển khai mô hình TMĐT phải cân nhắc chọn đối tượng khách hàng để đưa ra mô hình kinh doanh phù hợp. Và đặc biệt khi đã quyết định đầu tư vào TMĐT thì phải có chiến lược lâu dài - chờ ngày thu hoạch; không thể làm TMĐT theo kiểu “ăn ngay”.

 Chiến lược “đốt tiền”

Theo một chuyên gia về TMĐT thì đầu tư vào TMĐT phải có chiến lược dài hạn và phải chấp nhận “đốt tiền”, thậm chí đốt nhiều... tiền. Cách đây khoảng 3-4 năm, có những công ty đầu tư hàng triệu đô la Mỹ vào các dự án TMĐT nhưng vẫn chưa thể có lợi nhuận ngay trong những năm đầu tiên.

Do đó, ưu thế kinh doanh TMĐT đang nằm trong tay những “con cá lớn”, sẵn sàng vung tiền ra “nuốt” các con cá TMĐT nhỏ lẻ... để nhanh chóng vượt lên phía trước.

Trên thực tế, như thông tin FPT “rò rỉ” ra với báo chí về số tiền hàng triệu đô la Mỹ do đối tác Nhật Bản đầu tư vào sendo.vn, FPT sẽ đầu tư mạnh để sàn TMĐT sendo.vn tiến lên vị trí dẫn đầu thị trường. Việc mua lại 123mua.vn nhằm chứng minh quyết tâm này và phần nào đó khẳng định ưu thế tài chính của FPT.

Khi trao đổi với báo chí ở một sự kiện gần đây của FPT, ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của tập đoàn FPT, đã hé lộ thông tin về khoản tiền đầu tư 5-6 triệu đô la Mỹ cho hệ thống kinh doanh trực tuyến sendo.vn. Đây sẽ là một khoản tiền đầu tư đủ lớn giúp cho sendo.vn gia tăng vị thế.

Các “đại gia” kinh doanh trực tuyến như Rocket Internet hoặc vatgia.com, hotdeal.vn... cũng đang tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam. Rakuten cũng hứa hẹn đặt chân vào Việt Nam trong năm nay.

Trong thời gian tới, có lẽ quy luật “cá lớn nuốt cá bé” sẽ tiếp tục diễn ra trên “sàn đấu” TMĐT. Các dự án khởi nghiệp nếu bị “đứt hơi” do thiếu vốn sẽ được các công ty lớn thâu tóm. Hy vọng, ngành TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục trụ được với các tên tuổi Việt Nam như vatgia.com; enbac.com; sendo.vn...

Ưu thế kinh doanh thương mại điện tử đang nằm trong tay những “con cá lớn”, sẵn sàng vung tiền ra “nuốt” các con cá thương mại điện tử nhỏ lẻ... để nhanh chóng vượt lên phía trước.

-----

Thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam đang “nóng”

Theo thông tin từ hãng nghiên cứu ComScore, trong năm 2013 các nhà bán lẻ trực tuyến của Việt Nam đang chiếm ưu thế. Có đến bốn công ty nội địa nằm trong tốp 5 nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam.

Trong khi đó, tốp 5 trang web bán lẻ trực tuyến ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines... phần lớn nằm trong tay các công ty nước ngoài.

---

Trong năm 2014, Lazada sẽ “lấn sân” sang phân khúc TMĐT chuyên sâu về các mặt hàng thời trang, công nghệ (điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng)... Đồng thời, Lazada sẽ mạnh dạn mở một số cửa hàng ngoại tuyến giống như các hệ thống bán lẻ. Các cửa hàng ngoại tuyến này sẽ là cầu nối giữa khách hàng và trang mua bán trực tuyến nhằm xây dựng niềm tin cho khách hàng. Lần này, có vẻ như Lazada có ý định “tuyên chiến” với các “đại gia” bán lẻ hàng đầu như Thegioididong.com, FPT Shop, Viễn Thông A...
Nguồn: dunghangviet.vn

0 nhận xét :

Đăng nhận xét